Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu:
Nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất
20:49', 6/11/ 2012 (GMT+7)

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTS) nói riêng, các doanh nghiệp CBTS xuất khẩu (viết tắt là DN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển sản xuất.

 

Một góc phân xưởng chế biến của Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU

 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng khá   

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành CBTS, thời gian qua, cái khó “cố hữu” của các DN vẫn là thiếu vốn, chi phí đầu vào liên tục tăng, nhu cầu tại thị trường châu Âu thấp; ngoài ra, còn phải chịu áp lực từ những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu áp đặt… Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó để ổn định sản xuất.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho biết: “Trong điều kiện khó khăn chung của lĩnh vực CBTS, công ty đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như củng cố, sắp xếp lại bộ máy tổ chức và các dây chuyền sản xuất; tiết kiệm, cắt giảm các loại chi phí đầu vào; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; giữ vững quan hệ với các bạn hàng truyền thống; đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiện số khách hàng mới của công ty đã tăng khoảng 50% so với trước; còn sản lượng thì tăng gấp 3 lần. Điều đáng nói, chất lượng sản phẩm của công ty đã được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao. 10 tháng đầu năm 2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Công ty đạt gần 27 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2011”.

Ngoài Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, một số DN khác cũng có bước tăng trưởng khả quan, như: Công ty cổ phần Thực phẩm XNK Lam Sơn (KNXK 10 tháng gần 5,9 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ); Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn (KNXK gần 5,5 triệu USD, tăng 4%)…

Theo thống kê của Sở Công Thương, 10 tháng đầu năm 2012, giá trị KNXK toàn tỉnh  khoảng 407 triệu USD, đạt gần 85% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, thủy sản là một trong những nhóm hàng có giá trị KNXK tăng khá (ước thực hiện 42,4 triệu USD, tăng 33%).

Tiếp tục nỗ lực vượt khó

Có thể nói, những nỗ lực của các DN trên địa bàn tỉnh là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn lắm khó khăn, thách thức ở phía trước. Đa số DN trên địa bàn đều chỉ ở quy mô nhỏ và vừa; công nghệ, thiết bị còn lạc hậu; phương thức quản lý, năng lực sản xuất còn hạn chế. Đáng nói là nhiều DN chưa chú trọng đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu quy định.

Bên cạnh đó, các DN còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, như: Các chi phí đầu vào (giá điện, lương nhân công, bao bì, cước vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường, phí kiểm dịch thú y… ) tăng cao; thời gian lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát của các ngành chức năng khá rườm rà; tình hình lãi vay ngân hàng tuy được điều chỉnh, nhưng vẫn còn ở mức cao và DN không dễ tiếp cận vốn ngân hàng; giá sản phẩm thủy sản XK không tăng...

Ngoài ra, các DN còn phải vượt qua những rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu áp đặt. Theo đó, bên cạnh chỉ tiêu Ethoxyquin (chất Ethoxyquin dùng trong bảo quản thức ăn thủy sản) của Nhật Bản, các DN sẽ phải thực hiện đăng ký thông tin với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) theo quy định của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) của nước này. Cụ thể, các DN CBTS sẽ phải thực hiện việc đăng ký lại đến ngày 31.12.2012. Đáng lưu ý, kể từ ngày 1.1.2013, tất cả các lô hàng thực phẩm của cơ sở không có mã số hợp lệ sẽ bị lưu giữ tại cảng hoặc bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ làm gì để có thể vượt qua? Theo bà Cao Thị Kim Lan, trước tiên cần đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm thiểu các chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm… Đồng thời, trước tình hình thị trường XK diễn biến phức tạp, các DN cần tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, chủ động tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường; tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước nhập khẩu quy định…

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, Sở đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề trọng tâm, như: Đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục xem xét tăng hạn mức và thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất từng loại sản phẩm. Đề nghị các bộ, ngành quan tâm đến việc thông tin về một số nước nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định cũng như các đạo luật áp dụng đối với một số ngành hàng, mặt hàng. Tăng cường hỗ trợ dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin thị trường thế giới, nhất là đối với các thị trường và mặt hàng XK trọng điểm. Thông tin về việc thay đổi chính sách áp dụng các biện pháp bảo hộ; hỗ trợ việc áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả quảng bá và bảo hộ thương hiệu XK của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng tại nước ngoài…    

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
12.772 lượt khách hàng được vay gần 223 tỉ đồng  (06/11/2012)
Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện thí điểm vật nuôi  (06/11/2012)
Hai sàn diễn biến trái chiều, thanh khoản vẫn rất thấp  (05/11/2012)
Tiền nào của nấy  (05/11/2012)
Quy rõ trách nhiệm của từng đối tượng  (05/11/2012)
Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai và khoáng sản  (05/11/2012)
Xây dựng 3 cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía  (05/11/2012)
Chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân  (05/11/2012)
Sẽ tiếp tục thực hiện đến năm 2015  (04/11/2012)
Phù Cát: Triển khai xây dựng 4 “Cánh đồng mẫu lớn” có diện tích 210 ha  (04/11/2012)
Nhiều HTXNN gặp khó khăn  (04/11/2012)
Đánh bắt hải sản vượt 12,7% kế hoạch năm  (04/11/2012)
Tăng cường công tác kiểm dịch động vật  (05/11/2012)
Trên 1.000 công trình khí sinh học được xây dựng  (04/11/2012)
Diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 ở người  (03/11/2012)