Chỉ còn 20 ngày nữa là đến thời điểm xuống giống vụ Ðông Xuân (ÐX) 2012- 2013. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, trời ít mưa, lượng nước tích trữ tại các hồ thủy lợi rất thấp, nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có Phù Cát, phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất.
Theo kế hoạch, vụ ĐX 2012 - 2013, huyện Phù Cát gieo sạ 7.300 ha lúa, đồng thời sản xuất gần 6.100 ha cây trồng cạn ngắn ngày, chủ yếu là mì, đậu phụng, bắp lai… Trong vụ ĐX này, huyện Phù Cát sẽ xây dựng 6 cánh đồng mẫu lớn có tổng diện tích 310 ha, trong đó có 4 cánh đồng với diện tích 210 ha sản xuất lúa ở các xã: Cát Khánh, Cát Sơn, Cát Hanh, và Cát Tân; 2 cánh đồng với diện tích 100 ha sản xuất đậu phụng ở Cát Trinh và Cát Hiệp.
|
Một cánh đồng ở xã Cát Trinh còn khô hạn, thiếu nước để làm đất sản xuất vụ ĐX. Ảnh: H.TRUNG |
Ông Phan Sĩ Hùng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Huyện đã sớm triển khai phương án sản xuất đến các xã, HTXNN; tổ chức hội thảo về cơ cấu giống, lịch thời vụ, bàn một số giải pháp chính phục vụ cho sản xuất ĐX. Ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác các loại cây trồng chính cho nông dân. Các địa phương đã tập trung quy hoạch sản xuất, bố trí vùng sản xuất và cơ cấu giống cho từng chân ruộng; mở rộng diện tích sản xuất lúa lai; tổ chức diệt chuột…”.
Bước vào sản xuất vụ ĐX này, Phù Cát đối mặt với nhiều khó khăn, trước tiên là nguy cơ thiếu nước tới do lượng nước trong các hồ chứa rất thấp. Hồ Hội Sơn dung tích 44,5 triệu m3, nhưng mới chỉ tích được hơn 6,8 triệu m3, thấp hơn 20 triệu m3 so với cùng kỳ năm trước; hồ Suối Tre dung tích 4,5 triệu m3, mới chỉ tích được 800 ngàn m3; còn lại 22 hồ chứa nước nhỏ trong huyện có tổng dung tích gần 16 triệu m3, đến nay phần lớn chỉ tích được trên mực nước chết chút ít.
Xã Cát Tường có diện tích sản xuất lúa ĐX 605 ha và hơn 350 ha cây trồng cạn, phần lớn dựa vào 2 hồ chứa nước Tường Sơn và Cửa Khâu, song đến nay 2 hồ này chỉ mới tích được 30% dung tích. Hiện nay các cánh đồng ở Cát Tường đều khô cạn, không có nước phục vụ làm đất. Nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: “Khó khăn lớn nhất là thiếu nước để bà con cày ải. Khó khăn tiếp theo và với tình hình thời tiết như thế này bà con nông dân không biết phải mua giống lúa nào để sản xuất cho phù hợp. Việc diệt chuột cũng không ít khó khăn, do không có mưa nên chuột sống phân tán trên các cánh đồng… Trước tình hình này, xã đã tăng cường chỉ đạo nông dân khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị, như cày ải đất chờ mưa tiến hành sạ đúng thời vụ; tính toán vận động nông dân chuyển sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, hoặc 2 lúa 1 màu, 2 màu 1 lúa/năm để bảo đảm có thu nhập, ổn định đời sống”.
Tại cuộc họp khẩn cấp với các địa phương, các HTXNN trên địa bàn, do huyện Phù Cát vừa tổ chức để bàn giải pháp đối phó với tình hình thời tiết diễn biến bất lợi nhằm chủ động trong sản xuất, ông Phan Sĩ Hùng cho biết: “Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhưng huyện kiên quyết chỉ đạo giữ đúng lịch thời vụ, không vội vàng sản xuất dễ dẫn đến mất giống; quy hoạch và vận động nông dân chuyển đổi sang sản xuất cây trồng cạn ở các nơi thích hợp, để giảm căng thẳng về nước tưới, tránh được thiệt hại do mưa lũ muộn gây ra, diện tích khả năng chuyển đổi khoảng 500 ha thuộc chân ruộng thiếu nước; đồng thời có kế hoạch dự phòng lúa giống… Huyện cũng chỉ đạo tập trung tuyên truyền, vận động nông dân bình tĩnh thực hiện theo đúng phương án và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và ngành chức năng, để bảo đảm thắng lợi vụ sản xuất chính trong năm”.
|