Thị xã An Nhơn có 30 làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các làng nghề truyền thống ở An Nhơn gặp nhiều khó khăn do sản phẩm làng nghề thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; nhiều làng nghề thiếu vốn sản xuất; kỹ thuật, công nghệ sản xuất lạc hậu… Trước tình hình này, UBND thị xã An Nhơn đã nỗ lực tìm lối ra cho các làng nghề tại địa phương.
Trong số 30 làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn, đến nay đã có 24 làng nghề được UBND tỉnh có Quyết định công nhận. Thế nhưng, hiện chỉ một số làng nghề làm bún, bánh tráng sản xuất ổn định nhờ kết hợp giữa sản xuất với chăn nuôi, như nghề làm bún Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu), bánh tráng Trường Cửu, rượu Bầu Đá (xã Nhơn Lộc)... Còn lại, nhiều làng nghề đang đối mặt với khó khăn do sản phẩm kém sức cạnh tranh và khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất.
|
Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu (An Nhơn) đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: V.LƯU |
Nhiều cái khó
Một số làng nghề có nguy cơ bị mai một như nghề dệt ở Nam Phương Danh, nghề đan tre Tây Phương Danh (phường Đập Đá), nghề làm gốm Vân Sơn, nghề rèn Nam Tân (xã Nhơn Hậu), nghề đan tre Quan Quang- Khánh Lễ (xã Nhơn Khánh)… Theo thống kê, hiện làng dệt Nam Phương Danh chỉ còn lại khoảng 25 khung dệt, chủ yếu dệt vải gạc y tế; làng nghề rèn Nam Tân chỉ còn 30 hộ gồm 90 lao động làm nghề, sản phẩm chủ yếu là các loại nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: rựa, cuốc, xẻng, dao, kéo... Làng nghề đan tre Quan Quang - Khánh Lễ hiện chỉ còn 40 hộ làm thúng, mủng, nong, nia, giỏ đựng trứng gia cầm…
Bà Nguyễn Thị Hoa, một hộ làm nghề gốm ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, cho biết: “Trước đây, sản phẩm gốm Vân Sơn như lò, ấm, chậu kiểng, chum đựng nước… được tiêu thụ mạnh, có mặt ở khắp các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hiện nay sản phẩm gốm Vân Sơn chỉ tiêu thụ được ở vùng nông thôn. Vài năm nay, do nguồn nguyên liệu đất sét tại địa phương khan hiếm, giá cao, trong khi đầu ra sản phẩm kém sức cạnh tranh, nên làng nghề có nguy cơ bị mai một”.
Khi chúng tôi hỏi vì sao không áp dụng tiến bộ kỹ thuật để làm sản phẩm gốm cao cấp thì đa phần bà con ở làng gốm Vân Sơn cho rằng bị thiếu vốn và không nắm bắt được kỹ thuật, công nghệ sản xuất.
Ông Giả Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết: Hiện nay, trong số 3 làng nghề được tỉnh công nhận ở địa phương hiện chỉ có nghề làm bún ở thôn Ngãi Chánh sản xuất ổn định; còn nghề tiện gỗ ở Bắc Nhạn Tháp và nghề làm gốm ở Vân Sơn đang lâm vào cảnh khốn khó. Sản phẩm của làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp bị tồn đọng số lượng rất lớn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Trước đây, mặt hàng này xuất khẩu rất mạnh sang thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây việc xuất khẩu gặp khó; tiêu thụ trong nước cũng hạn chế. Với làng nghề gốm Vân Sơn, vấn đề nan giải là nguồn nguyên liệu đất sét tại địa phương bị cạn kiệt.
Theo Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, khó khăn hầu hết các làng nghề truyền thống ở địa phương đang gặp phải là việc giải quyết đầu ra của sản phẩm và vốn đầu tư sản xuất. Nhiều mặt hàng kém sức cạnh tranh trên thị trường do mẫu mã và chất lượng kém. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào như giá điện, xăng dầu, nguyên vật liệu… liên tục tăng, trong khi giá đầu ra không tăng. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở làng nghề đều dùng những thiết bị máy móc đơn giản, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thiếu thông tin về thị trường, giá cả; việc xây dựng thương hiệu, quảng cáo, tiếp thị chưa được quan tâm đúng mức. Một khó khăn khác là quy hoạch phát triển các làng nghề của thị xã chưa được thực hiện đầy đủ để làm cơ sở phát triển bền vững.
|
Nghề gốm ở Vân Sơn đang mai một dần do người làng nghề thiếu vốn và không thay đổi, cập nhật được kỹ thuật, công nghệ sản xuất.
- Trong ảnh: Đưa sản phẩm gốm thô vào lò nung. |
Tìm lối ra cho làng nghề
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời để có cơ sở định hướng phát triển bền vững các làng nghề, UBND thị xã An Nhơn vừa thông qua Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) - làng nghề từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động và đất đai của địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.
UBND thị xã đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại các cụm CN đã có, lập quy hoạch các điểm, cụm CN-TTCN để di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề đến sản xuất tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường. Trước mắt, trong năm 2012, việc đầu tư công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất được địa phương chú trọng, với kinh phí thực hiện gần 3 tỉ đồng - kinh phí hỗ trợ của tỉnh hơn 1,7 tỉ đồng, của thị xã 240 triệu đồng, doanh nghiệp (DN) trên 1 tỉ đồng- hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất, mua sắm máy sản xuất nhang cây cho làng nghề chẻ tăm nhang Bả Canh (phường Đập Đá); trang bị máy sản xuất bánh tráng cho các hộ làm nghề bánh tráng ở thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc); đầu tư xử lý môi trường làng nghề làm bún khô An Thái và nón lá Gò Găng.
Để có nguồn nhân lực phát triển CN-TTCN và làng nghề hiệu quả, trong năm nay, thị xã An Nhơn đầu tư kinh phí 786 triệu đồng (tỉnh hỗ trợ 240 triệu đồng, thị xã 36 triệu đồng, DN 510 triệu đồng) mở các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương, gồm: đào tạo 200 lao động cho làng nghề tiện gỗ Nhơn Hậu, 100 lao động nghề may công nghiệp và 6 công nhân vận hành nhà máy xử lý nước thải; tổ chức hội thảo khoa học chuyển đổi công nghệ từ sản xuất gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung…
Theo ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn: Tổng kinh phí thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2011 đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 dự kiến trên 585 tỉ đồng, gồm: ngân sách tỉnh 23,35 tỉ đồng, ngân sách thị xã 7,56 tỉ đồng, vốn khuyến công 5,2 tỉ đồng, vốn khoa học - công nghệ 900 triệu đồng, vốn huy động của các DN, cơ sở sản xuất, hộ tham gia sản xuất trên 546 tỉ đồng. Trong đó, riêng năm 2012, UBND thị xã đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư thực hiện trên 9,1 tỉ đồng (tỉnh hỗ trợ trên 1,95 tỉ đồng, ngân sách thị xã 676 triệu đồng, DN hơn 6,55 tỉ đồng). UBND thị xã cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tích cực hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở các làng nghề trên địa bàn đầu tư thiết bị công nghệ, sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia hội chợ, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề…
|