“Ai về Phụ Đức, Trung Lương/Ai lên Thế Thạnh, An Thường buôn tơ”. Vẫn còn đó câu ca một thuở về nghề trồng dâu nuôi tằm ở những làng ven sông Hoài Nhơn, Hoài Ân. Những làng nghề tưởng chừng đã mất đi, nay dần hồi sinh cùng rộn rã những tiếng lách cách thoi đưa, cùng lao xao tiếng tằm ăn rỗi…
Còn nhớ, chừng 5 năm sau ngày đất nước thống nhất, hàng chục hécta đất soi, đất nà bên bờ sông Lại được đánh thức cho những bãi dâu xanh ngút ngát vươn lên. Những khu nhà nuôi tằm, trạm thu mua kén, xưởng ươm tơ bề thế mọc lên, xã viên, công nhân thi nhau lao động cật lực trên vùng đất chuyên canh dâu tằm. Rồi những lứa tằm ăn rào rào trong những đêm trăng, đến tấp nập thu hoạch mùa kén, mùa tơ. Cuộc sống mới vào làm ăn tập thể như hồi sinh lại từng phút, từng giờ… Nhưng rồi, niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu bởi cách làm ăn theo lối “cha chung không ai khóc”. Thế là, trên những thủ phủ dâu tằm như Ân Thạnh (Hoài Ân), Bồng Sơn (Hoài Nhơn)…, ruộng dâu cứ co dần, co dần, xưởng kéo kén, ươm tơ thành nhà hoang.
|
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang hồi sinh trên đất Ân Hảo Đông. |
Mặc dù mới tiếp cận nghề trồng dâu nuôi tằm khoảng hơn 15 năm trở lại đây, nhưng người dân xã Ân Hảo Đông (Hoài Ân) cũng đã từng nếm trải nhiều phen gian truân, chìm nổi với nghề. Thậm chí, có những thời điểm như vào các năm 2008, 2009, 2010, người nuôi tằm ở Ân Hảo Đông đắng lòng bởi hàng chục hécta dâu đang phát triển xanh tốt bỗng dưng ngã rạp trước căn bệnh nấm trắng, cháy lá. Không phương cứu chữa, người trồng dâu đành chặt bỏ, đốt, tiêu hủy mầm bệnh, hao tổn không biết bao tiền của, công sức.
Ông Đặng Thành Giáo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Hảo Đông, nhớ lại: “Sau thời điểm đó, bà con như ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, bỏ nghề thì lấy đâu ra tiền để chi phí cuộc sống hằng ngày, hoàn trả các khoản vay ban đầu cho việc đầu tư thuê đất, làm đất, mua giống dâu, thuê công trồng, mua sắm những vật dụng hành nghề như máy bơm nước, nong, đuổi, né… Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã trực tiếp chỉ đạo Hội chúng tôi kiến nghị và cùng phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng Nông nghiệp huyện nhằm tạo mọi điều kiện cho bà con được tiếp cận nhanh nguồn vốn, tổ chức nhiều đợt tập huấn công tác trồng và phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra trên cây dâu, hướng dẫn nuôi và chăm sóc tằm theo những quy trình kỹ thuật đặc biệt”.
Trong 3 năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Ân Hảo Đông phát triển mạnh trở lại. Huyện đang xây dựng đề án phát triển và nhân rộng nghề trồng dâu nuôi tằm ra các xã Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín… Nếu đề án thành công, huyện sẽ tiếp tục triển khai các bước xây dựng nhà xưởng, tập huấn kỹ thuật ươm tơ, kéo kén cho bà con để nghề này từng bước phát triển theo hướng chuyên môn hóa
Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân |
Từ những nỗ lực đồng bộ cứu làng nghề của chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Đông từng bước khôi phục và phát triển theo hướng thâm canh đầy triển vọng. Giờ đây, người dân các thôn Phước Bình, Bình Hòa Bắc, Hội Long, Cảm Đức… đã khai thác và tận dụng hết những bãi bồi ven sông để trồng dâu nuôi tằm. Đến thời điểm hiện nay, toàn xã Ân Hảo Đông có trên 80ha dâu trồng, với trên 100 hộ trực tiếp nuôi tằm. Lượng kén thu và xuất bán từng đợt của bà con trong xã ước khoảng 3,5 đến 4 tấn. Anh Bùi Thanh Sỹ, người có hơn 10 năm nuôi tằm ở thôn Hội Long, cho biết: “Gia đình tôi trồng 1ha dâu, trung bình mỗi tháng nuôi 2 hộp trứng, thu hoạch thấp nhất là 100 kg kén, cầm chắc trên 10 triệu đồng. Hiện nay ở Ân Hảo Đông, không có cây trồng vật nuôi nào đạt hiệu quả kinh tế hơn cây dâu, con tằm”.
Ở thị trấn Bồng Sơn, cơ sở mua bán, kinh doanh thu mua kén, ươm tơ của ông Quý Sách ở khối Liêm Bình là cơ sở tư nhân tồn tại và hoạt động ổn định gần 50 năm qua. Chủ nhân của cơ sở này được xem là người có công duy trì và thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm ở các địa phương tại 3 huyện phía bắc tỉnh. Ông Quý Sách cho biết, cơ sở của ông cũng không ít lần trải qua thăng trầm, nhất là trước sự cạnh tranh gay gắt của các công ty, xí nghiệp dâu tằm tơ đóng trên địa bàn. Dù vậy, nhờ giữ vững mục đích làm ăn lâu dài, không rườm rà trong các khâu thu mua, sản xuất chế biến, quan hệ tốt với người bán sản phẩm, thu nhận hàng hài hòa “có lúc này, lúc khác”… nên cuối cùng chỉ duy nhất cơ sở của ông tồn tại và đồng hành với người trồng dâu đến ngày hôm nay. Hiện xưởng ươm tơ của ông Quý Sách đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động và thu mua toàn bộ kén, tằm của bà con nông dân các xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Nghĩa và một số địa phương lân cận khác như Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), An Hòa (An Lão)… Nhờ đó, bà con không còn lo bị đọng hàng, yên tâm gắn bó lâu dài với cây dâu con tằm.
|