Thực hiện chủ trương của Chính phủ về bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) cho ngành Ðiện lực quản lý là nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành, duy tu, bảo dưỡng và phát triển lưới điện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, trong và sau khi chuyển giao LÐHANT đã xuất hiện nhiều vướng mắc. PV Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương - quanh vấn đề này.
* Tỉnh ta là một trong số ít địa phương thực hiện công tác chuyển giao LĐHANT chậm. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
- Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương về việc chuyển giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý bán điện trực tiếp đến các hộ sử dụng điện, trong thời gian qua, các đơn vị quản lý kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện bàn giao LĐHANT cho ngành Điện theo quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 102/157 đơn vị, tổ chức đã chuyển giao LĐHANT cho Công ty Điện lực Bình Định (ĐLBĐ) quản lý, vận hành, bán điện trực tiếp đến hộ dân. Hiện các đơn vị không đảm bảo các điều kiện hoặc hoạt động không hiệu quả đang tiếp tục thực hiện bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý. So với tiến độ đề ra, tỉnh ta là một trong những địa phương thực hiện công tác chuyển giao LĐHANT cho ngành Điện chậm.
|
Công nhân Công ty Điện lực Bình Định kiểm tra một trạm biến áp. Ảnh: Phước An |
Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc: Một số đơn vị, tổ chức chấp thuận việc chuyển giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý, nhưng chưa thống nhất giá trị còn lại của tài sản bàn giao, nên chưa thể thực hiện việc chuyển giao. Một số đơn vị đã thống nhất giá trị còn lại của tài sản, nhưng không đủ hồ sơ chứng từ bàn giao, hiện đang lập hồ sơ theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Việc chuyển giao LĐHANT của các đơn vị này thường mất nhiều thời gian, do công tác hoàn chỉnh hồ sơ kéo dài và gặp nhiều khó khăn trong việc xác định cơ cấu nguồn vốn từ các cấp cơ sở địa phương xã, huyện. Đối với các xã tham gia dự án REII mở rộng, đang chờ dự án hoàn thành đưa vào sử dụng mới tiến hành việc bàn giao theo giá trị quyết toán công trình.
Riêng đối với những tài sản được đầu tư không theo hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì không đưa vào đánh giá giá trị tài sản. Theo quy định, trước mắt bên giao có trách nhiệm thực hiện bàn giao nguyên trạng tài sản này để bên nhận tạm thời duy trì việc cấp điện cho dân. Sau khi tiếp nhận, bên nhận phải có kế hoạch bố trí vốn để nâng cấp, thay thế lưới điện nhằm đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, đồng thời thu hồi tài sản cũ trả lại bên giao. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng lưới điện thay thế của Công ty ĐLBĐ thực hiện còn chậm, nên các đơn vị bàn giao chưa thể thu hồi tài sản để thanh lý và giải thể. Ngoài ra, đối với các đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt khối lượng, giá trị tài sản giao - nhận, nhưng ngành Điện chậm hoàn trả giá trị còn lại.
* Trong thời gian đến, giải pháp để đẩy nhanh việc bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý sẽ được thực hiện như thế nào?
- Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng, thẩm định bộ đơn giá suất đầu tư LĐHANT làm cơ sở cho việc tính toán xác định giá trị tài sản còn lại phục vụ công tác giao - nhận và hoàn trả vốn giữa các bên. Những trường hợp không có chứng từ hoặc thiếu chứng từ theo quy định, Sở Tài chính, Sở Công Thương và ngành liên quan đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh có văn bản quy định về việc xác lập hồ sơ và hoàn trả vốn đầu tư LĐHANT để các địa phương, đơn vị có cơ sở xác lập hồ sơ bàn giao.
Để đẩy nhanh việc giao - nhận LĐHANT, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác này. Theo đó, đối với các đơn vị đã thống nhất bàn giao, khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục theo quy định, các sở, ngành kiểm tra, thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt kịp thời. Đối với những hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định, các ngành liên quan phải có văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh kịp thời để phục vụ cho công tác thẩm định, phê duyệt.
Đối với các đơn vị chưa thống nhất tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản bàn giao, Hội đồng định giá tài sản LĐHANT ở các huyện, thị xã chủ trì giải quyết. Nếu 2 bên giao - nhận vẫn không thống nhất, thì hai bên lựa chọn và ký hợp đồng thuê các tổ chức định giá được Bộ Tài chính công bố hàng năm để xác định giá trị còn lại của tài sản làm cơ sở giao - nhận. Trường hợp hai bên không thống nhất được việc lựa chọn tổ chức định giá, thì bên giao có trách nhiệm trình UBND tỉnh xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao. Các đơn vị đã bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý và đã được UBND tỉnh phê duyệt khối lượng, giá trị tài sản giao - nhận, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty ĐLBĐ sớm thực hiện việc hoàn trả giá trị còn lại.
Đối với lưới điện không đưa vào đánh giá giá trị tài sản bàn giao, Công ty ĐLBĐ khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp thay thế, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, hiệu quả, phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, đồng thời thu hồi tài sản cũ trả lại cho bên giao.
* Còn việc đầu tư, nâng cấp LĐHANT của ngành Điện sau khi tiếp nhận ở tỉnh ta đã thực hiện như thế nào?
- Theo tổng hợp của Công ty ĐLBĐ, sau khi tiếp nhận LĐHANT, ngành Điện đã thay thế toàn bộ công tơ và cải tạo tối thiểu lưới điện mất an toàn. Ngành Điện cũng đã thực hiện việc đầu tư cải tạo, thay thế một số LĐHANT để đảm bảo vận hành an toàn. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo LĐHANT sau khi tiếp nhận của Công ty ĐLBĐ còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Trước thực tế này, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty ĐLBĐ thực hiện việc đầu tư nâng cấp, cải tạo LĐHANT, đặc biệt đối với các lưới điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật không đưa vào đánh giá tài sản để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Trong thời gian đến, nếu việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp LĐHANT của ngành Điện không tiến hành theo kế hoạch, Sở Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cụ thể, nhằm đảm bảo LĐHANT sau khi bàn giao đảm bảo vận hành tốt, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc do lưới điện không đảm bảo.
* Xin cảm ơn ông!
|