Từ đầu năm 2012 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi (TACN) trên địa bàn tỉnh ta liên tục tăng cao, trong khi giá gia súc, gia cầm (GSGC) lại giảm mạnh đã làm cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều trang trại, gia trại phải cắt giảm đàn hoặc tạm ngừng chăn nuôi để hạn chế thua lỗ.
TACN là một trong những mặt hàng có xu hướng tăng giá mạnh và đều nhất, với tỉ lệ tăng trung bình 3-4%/tháng. Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục có tới 2 đợt điều chỉnh tăng mới và hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng
Đối với các loại thức ăn đậm đặc, giá đã tăng ở mức 40.000 đồng/bao (30kg); thức ăn hỗn hợp tăng 20.000 đồng/kg. Trong đó, tăng nhiều nhất là các loại thức ăn của các hãng như CP, Cargill, Con Cò…, đang ở mức 350-500 ngàn đồng/bao (30kg), tăng từ 25.000 - 40.000 đồng/bao tùy theo loại. Thức ăn đậm đặc của hãng Cargill dành cho heo thịt hiện ở mức 300 ngàn đồng/bao (30 kg); thức ăn đậm đặc cho heo con từ khi cai sữa đến 15 kg ở mức từ 450 - 550 ngàn đồng/bao (30 kg); thức ăn đậm đặc dành cho vịt đẻ, gà đẻ ở mức 400 ngàn đồng/bao (40 kg)…
|
Giá TACN tăng mạnh khiến nhiều người chăn nuôi ngao ngán, thu hẹp sản xuất.
- Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi gà siêu thịt ở xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn). |
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, chủ một đại lý TACN tại thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết: “Theo thông báo của các doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN, nguyên nhân làm cho giá TACN liên tục tăng trong thời gian qua là do giá nguyên liệu, các chất phụ gia cho sản xuất mặt hàng này tăng. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu một số loại nguyên liệu để sản xuất TACN như: bắp, bột cá, cám mì, bột xương thịt… cũng được điều chỉnh tăng từ 5-15%. Dự báo, thời gian tới, mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng giá mạnh do nguồn cung nguyên liệu trong nước thiếu hụt và chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu nên các DN sản xuất TACN hiện phải nhập khẩu khoảng 75% nguyên liệu sản xuất, trong đó có một số DN phải nhập khẩu đến trên 90% nguyên liệu”.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất TACN trong nước chỉ đáp ứng chưa được 1/3 nhu cầu cho đàn GSGC. Điều này cho thấy, tình hình giá TACN trong nước quá cao là do phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài, việc tìm được biện pháp hạ giá thành đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với nhà sản xuất mà cả đối với các nhà quản lý.
Nghịch lý giá đầu vào - đầu ra
Chi phí thức ăn cho chăn nuôi GSGC ngày càng tăng, trong khi giá đầu ra của GSGC, trứng gia cầm hạ thấp trong một thời gian dài từ đầu năm đến nay, đã mang lại nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn phải đối mặt với tình trạng thua lỗ, phải cắt giảm đàn hoặc tạm ngừng chăn nuôi.
Ông Trần Văn Diệp, chủ một gia trại nuôi heo ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), bức xúc: “Giá thức ăn dành cho nuôi heo tăng, trong khi đó giá bán heo thì lại giảm mạnh, làm cho cho người chăn nuôi gặp khó. Hiện nay, giá heo thịt khá thấp, từ 30.000 - 36.000 đồng/kg hơi; heo giống từ 40.000 - 46.000 đồng/kg hơi, thấp hơn cùng thời gian này năm ngoái từ 12.000 - 16.000 đồng/kg hơi. Với giá heo ở mức như hiện nay thì người chăn nuôi bị thua lỗ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg hơi. Trước đây, chúng tôi nuôi gần cả trăm con heo, nay chỉ nuôi cầm chừng khoảng 20 - 30 con. Nếu cứ mãi tình trạng giá heo thấp thế này chắc tôi phải “treo chuồng” vì thua lỗ”.
Ông Lê Xuân Đạt - chủ một trang trại chăn nuôi gà siêu trứng ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết: “Giá TACN tăng cao đã tạo ra áp lực lớn đối với các trang trại chăn nuôi. Trước đây, cơ sở của tôi nuôi gần 2.000 con gà siêu trứng với tổng chi phí thức ăn cho đàn gà khoảng 1,5 triệu đồng/ngày, giá TACN tăng đã làm chi phí đội lên khoảng 500 ngàn đồng/ngày; trong khi đó giá trứng gia cầm trên thị trường thì cầm chừng ở mức từ 1.800-2.000 đồng/quả. Thực ra, việc nuôi gia cầm đẻ trứng nếu thuận lợi, không dịch bệnh, giá trứng ổn định thì mỗi quả trứng người chăn nuôi có lãi khoảng 300 đồng; nhưng với tình trạng giá TACN tăng, giá trứng thấp thì chăn nuôi không có hiệu quả. Để tránh thua lỗ, tôi vừa quyết định cắt giảm đàn gà đẻ hơn 500 con để ráng cầm cự thêm thời gian nữa chờ giá trứng tăng”.
Do TACN tăng cao, số lượng người chăn nuôi và số lượng đàn GSGC ở tỉnh ta từ đầu năm 2012 đến nay đang có chiều hướng giảm. Nhiều trang trại, gia trại chỉ dám nuôi đàn heo, gà, vịt với số lượng thấp hơn nhiều so với trước đây. Ông Võ Công Khương, một hộ chăn nuôi gà tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết thêm: “Trước đây, tôi nuôi đàn gà đẻ trên 500 con, nhưng hiện đã giảm xuống chỉ còn 300 con. Với giá TACN cao như hiện nay, mỗi ngày gia trại của tôi thua lỗ gần 100 ngàn đồng. Để duy trì đàn gà đẻ, tôi đã vay mượn từ Ngân hàng CSXH Tuy Phước hơn 20 triệu đồng để mua TACN. Nếu trong thời gian tới, giá trứng không tăng thêm chắc tôi phải… treo chuồng”.
Giá TACN ngày càng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người chăn nuôi. Trong tình hình này, người chăn nuôi mong các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giá TACN để tránh tình trạng lợi dụng đầu cơ tăng giá thu lợi bất chính; các tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để duy trì chăn nuôi trong điều kiện khó khăn hiện nay.
|