Đã vào mùa mưa, song lượng mưa trong tỉnh khá thấp so với mức trung bình nhiều năm; khả năng lượng nước tích từ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh sẽ không đủ đáp ứng cho vụ Đông Xuân (ĐX) sắp đến và cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) cả năm 2013. Trước tình hình này, ngày 15.11, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn các phương án đối phó với nguy cơ hạn hán.
|
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi thi công bê tông hóa hệ thống kênh mương do đơn vị quản lý trên địa bàn thị xã An Nhơn.
|
Lượng mưa rất thấp
Theo Sở NN-PTNT, tình hình thời tiết năm nay ở tỉnh ta diễn biến rất bất thường so với quy luật nhiều năm, đến nay lượng mưa đạt khá thấp so với mức trung bình nhiều năm, các hồ chứa mới tích được 30% dung tích. Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt 1.283 mm, bằng 57% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Riêng trong tháng 10 lượng mưa chỉ đạt 209 mm, bằng 36% lượng mưa trung bình của tháng 10 hàng năm. Trong nửa tháng 11 này, lượng mưa bình quân chỉ từ 100-150 mm, chỉ bằng 14% so với tháng 11 năm ngoái.
“ Khả năng thiếu nước tưới trong sản xuất ĐX 2012-2013 và SXNN cả năm 2013 theo dự báo là rất nghiêm trọng”
Chủ tịch UBND tỉnh LÊ HỮU LỘC |
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Khả năng tích nước của các hồ chứa từ nay đến đầu tháng 12 - thời điểm bắt đầu phục vụ nước tưới cho SXNN - phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa của nửa tháng còn lại trong tháng 11 này. Nếu lượng mưa tập trung với lượng mưa từ 450 mm trở lên thì các hồ chứa nhỏ và vừa sẽ tích đủ nước. Riêng các hồ chứa lớn như hồ Núi Một, Hội Sơn, Thuận Ninh, Suối Tre, Hà Nhe chỉ đạt từ 55-80% dung tích thiết kế. Nếu lượng mưa trong thời gian tới tiếp tục đạt thấp thì các hồ chứa chỉ đạt khoảng từ 40-60% dung tích. Do vậy, khả năng xảy ra hạn hán trong vụ ĐX 2012-2013 và SXNN năm 2013 là khá lớn. Khả năng diện tích lúa bị thiếu nước tưới trong vụ ĐX tại các địa phương từ 3.300 - 4.300 ha. Trong đó, tập trung tại các địa phương: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân, Tuy Phước… Ngoài ra, việc cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản ở các địa phương như: Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn, Tuy Phước sẽ hết sức khó khăn.
Chủ động các phương án chống hạn
Trước tình hình khó khăn về nguồn nước tưới, để chủ động các phương án phòng chống hạn cho SXNN trong thời gian đến, Sở NN-PTNT vừa đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh lịch gieo sạ vụ ĐX 2012-2013 sớm hơn 5 ngày so với lịch thời vụ ban hành trước đây.
Đối với chân ruộng sản xuất 3 vụ, lịch xuống giống sẽ bắt đầu vào ngày 25.11 đến 3.12; cho lúa trổ tập trung an toàn sau ngày 15.2.2013 trở đi, nhằm tận dụng nguồn nước trên các ao hồ, sông suối đầu vụ, hạn chế khả năng hạn cuối vụ. Đối với chân ruộng sản xuất 2 vụ, sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống các hồ chứa nước lớn và hệ thống các sông lớn, tập trung gieo sạ từ ngày 1.12 đến 15.12 cho lúa trổ tập trung sau ngày 30.3.2013. Đối với chân ruộng cao sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống các ao, hồ, sông suối nhỏ, có thể xuống giống sớm hơn lịch thời vụ đã ban hành để tận dụng nguồn nước mưa tại chỗ. Đối với một số vùng sản xuất quá khó khăn về nguồn nước, các địa phương cần tính toán, rà soát lại diện tích, để có phương án vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng cạn cho phù hợp, nhằm tiết kiệm nước tưới và tăng hiệu quả sản xuất.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc nhấn mạnh: “Nhằm chủ động phòng chống hạn, ngay từ bây giờ, Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt việc lập kế hoạch phân phối nước tưới cho từng công trình hồ chứa. Tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước tưới cụ thể để lập kế hoạch tưới trong vụ ĐX. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương tăng tối đa khả năng trữ nước tại các hồ chứa để đảm bảo lượng nước tưới cho SXNN, thực hành tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ, tận dụng lượng nước mặt hiện có để triển khai làm đất, gieo sạ vụ ĐX. Chỉ ưu tiên việc cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa trọng điểm…”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động lên kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với nguồn nước tưới tại chỗ, hoặc chuyển sang các loại cây trồng cạn ít sử dụng nước tưới. Tăng cường nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng để tưới tiêu kịp thời, hạn chế thất thoát nguồn nước tưới; áp dụng các biện pháp tưới tiêu khoa học, tưới luân phiên để tiết kiệm nguồn nước. UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương chống hạn và hỗ trợ kinh phí mua các loại giống cây trồng cạn để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện hạn hán xảy ra…
Theo thống kê, tổng dung tích nước tại các hồ chứa đến nay mới chỉ đạt 171/573 triệu m3, bằng 30% dung tích thiết kế và chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng nước tại 14 hồ chứa nước lớn do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý mới có 136/455 triệu m3, bằng 29,9% dung tích thiết kế và 68% so với cùng kỳ. Các hồ nhỏ do địa phương quản lý tích được 35/117 triệu m3, đạt 30% dung tích thiết kế và 36% so với cùng kỳ. Cụ thể: Hồ Núi Một (An Nhơn) tích được 35/110 triệu m3; hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) 70/226 triệu m3; hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) 8,26/35,36 triệu m3; hồ Hội Sơn (Phù Cát) 7,28/44,5 triệu m3; hồ Vạn Hội (Hoài Ân) 3,18/14,5 triệu m3; hồ Hòn Lập (Vĩnh Thạnh) 1,75/3,13 triệu m3; hồ Suối Tre (Phù Cát) 0,8/5 triệu m3; hồ Hà Nhe (Vĩnh Thạnh) 0,51/3,76 triệu m3… |
|