Làm thế nào để hoạt động khai thác, chế biến (KT-CB) titan trên địa bàn tỉnh thực sự hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường (BVMT)… là vấn đề đang được UBND tỉnh và các ngành chức năng quan tâm. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Thái Nga, Giám đốc Sở TN-MT.
* Xin ông cho biết về tình hình thăm dò, khai thác titan trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp (DN) được Bộ TN-MT cấp 7 giấy phép khai thác sa khoáng titan, với tổng diện tích trên 1.129 ha (hiện các DN đã khai thác xong khoảng 268 ha), và 6 DN được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò (chưa cấp phép khai thác) với tổng diện tích trên 1.099 ha.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã cấp 21 giấy phép khai thác titan; trong đó có 6 DN khai thác trong Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, với tổng diện tích trên 532 ha (đến nay đã khai thác xong gần 451 ha), và 15 DN khai thác ngoài KKT Nhơn Hội, với tổng diện tích trên 492 ha (đã khai thác xong 253 ha). Hiện có 12 giấy phép khai thác titan đã hết hạn, Sở TN-MT đã yêu cầu các DN phải hoàn thổ, phục hồi môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
|
Một điểm khai thác titan ở Mỹ Thành - Phù Mỹ. Ảnh: TIẾN SỸ |
* Còn về hoạt động chế biến titan, thưa ông?
- Hiện trên địa bàn tỉnh có 12 DN đầu tư nhà máy tuyển tinh quặng Ilmenite với tổng công suất 667.420 tấn/năm; tổng số vốn đầu tư là 105,2 tỉ đồng. Trong đó có 8 nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất 416.200 tấn/năm. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 nhà máy chế biến xỉ titan đã đầu tư hoặc đang lập dự án đầu tư với tổng công suất 320.600 tấn/năm. Ngoài ra, còn có nhà máy sản xuất rutile nhân tạo (công suất 24.000 tấn/năm) của Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại khoáng sản Ban Mai và 3 nhà máy xỉ titan của Công ty CP Khoáng sản Bình Định (21.000 tấn/năm), Công ty CP Khoáng sản Biotan (12.000 tấn/năm) và Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (60.000 tấn/năm) đã đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư của các nhà máy này gần 881 tỉ đồng…
* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động KT-CB titan trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Có thể nói, công tác quản lý KT-CB titan trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước được củng cố, đi vào quy củ và đạt được những kết quả khả quan. Hoạt động KT-CB titan đã đóng góp nguồn thu khá lớn cho ngân sách nhà nước. Đây cũng chính là lợi thế và là nguồn lực quan trọng của tỉnh ta. Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong năm 2012, số tiền thuế xuất khẩu (XK) titan của các DN trên địa bàn nộp vào ngân sách nhà nước là 698,4 tỉ đồng, chiếm khoảng 82% tổng nộp ngân sách của các DN hoạt động trong lĩnh vực này (886 tỉ đồng)… Ngoài ra, các DN còn nộp gần 91 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên; trên 33 tỉ đồng tiền phí BVMT; 4 tỉ đồng tiền thuê đất để khai thác titan; 2,5 tỉ đồng tiền thuế GTGT…
* Tuy nhiên, hoạt động KT-CB titan trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế?
- Đúng là bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KT-CB titan trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, khó khăn. Đó là tình trạng “tranh mua, tranh bán”, khai thác, vận chuyển, mua bán titan lậu; tình trạng chây ì của DN trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, gây thất thu thuế; tình trạng DN không thực hiện nghiêm nghĩa vụ đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; tình trạng xâm hại rừng phòng hộ ven biển và gây ô nhiễm môi trường ở một số khu dân cư; tình trạng một số DN không thực hiện nghiêm công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác titan…
* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình trạng thất thu thuế?
- Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 21 DN KT-CB-XK titan phải nộp khoảng 886 tỉ đồng tiền thuế (gồm: thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí BVMT, thuế GTGT…). Tuy nhiên, đến nay 21 DN nói trên mới nộp 846 tỉ đồng và còn nợ khoảng 40 tỉ đồng. Trong số này, riêng 10 DN tham gia XK titan phải nộp tiền thuế XK khoảng trên 720 tỉ đồng, nhưng hiện mới nộp trên 698 tỉ đồng và còn nợ gần 22 tỉ đồng; có 21 DN khai thác titan phải nộp khoảng 100 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên, nhưng hiện mới nộp 90,5 tỉ đồng; tiền thuế GTGT phải nộp khoảng 8,7 tỉ đồng thì mới nộp 2,5 tỉ đồng…
* Được biết, UBND tỉnh vừa giao cho Sở TN-MT nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả hoạt động KT-CB titan trên địa bàn. Ông có thể cho biết một số giải pháp cơ bản?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả hoạt động KT-CB titan trên địa bàn, tránh thất thu ngân sách. Phương châm đề ra là: Công tác quản lý hoạt động thăm dò, KT-CB titan phải đảm bảo tính hiệu quả, bền vững và BVMT.
Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Titan thế giới (ITA 2011) tổ chức tại San Diego tháng 10.2011, Trung Quốc nổi lên như một quốc gia đặc biệt của ngành công nghiệp titan với phần lớn nguyên liệu titan nhập khẩu từ Việt Nam.
Titan sẽ trở nên khan hiếm hơn trong tương lai do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, nhu cầu phát triển của ngành xây dựng trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhanh chóng nhu cầu về titan.
Là nước xuất khẩu nhiều titan nhưng hiện nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 40 triệu USD bột zircon siêu mịn - một sản phẩm đi kèm khi khai thác, tinh chế quặng titan.
. Đ.A |
Trước hết, cần cân đối giữa trữ lượng tiềm năng và trữ lượng công nghiệp để hoạch định tổng sản lượng cần khai thác hợp lý để khai thác ổn định, lâu dài và không tạo áp lực về môi trường. Trên cơ sở tổng sản lượng cần khai thác để hoạch định cụ thể về số lượng DN đầu tư cho chế biến.
Việc mở rộng và tăng sản lượng chế biến chỉ thực hiện khi đảm bảo có nguồn nguyên liệu cung cấp từ thu mua lâu dài tại các mỏ bên ngoài tỉnh hoặc từ nhập khẩu. Nếu đầu tư quá nhiều nhà máy sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu nghiêm trọng, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, không đảm bảo tính bền vững của ngành KT-CB titan của tỉnh, thậm chí còn dẫn đến tình trạng chạy đua để khai thác nguyên liệu, cạnh tranh khai thác lậu, cạnh tranh giá thu mua nguyên liệu, cạnh tranh giá bán sản phẩm…
Bên cạnh đó, cần thành lập công ty liên doanh giữa các DN khai thác khoáng sản mạnh và có uy tín của tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn công nghệ của Trung Quốc về chế biến quặng titan, tập trung nguồn lực để nghiên cứu đầu tư những dự án chế biến sâu titan cho ra sản phẩm có giá trị cao hơn xỉ titan hiện nay (như pigmen, titan bọt, titan kim loại…) để ngày càng nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động KT-CB titan.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh kiên quyết không cấp mới giấy phép khai thác sa khoáng titan và chỉ xem xét, gia hạn cho các đơn vị đã lập dự án nhà máy chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn XK theo quy định. Tất cả sản lượng khai thác được chỉ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong tỉnh. Các DN được cấp phép khai thác phải có cam kết thực hiện nghiêm yêu cầu này và sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác nếu vi phạm… Ngoài ra, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuất lậu khoáng sản không đủ tiêu chuẩn qua đường tiểu ngạch, gây thất thu ngân sách, UBND tỉnh cần ban hành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về hoạt động nói trên giữa các sở, ngành liên quan…
* Xin cảm ơn ông!
|