|
Rừng trồng theo Dự án WB3 ở Cát Hiệp phát triển tốt. Ảnh: Trường Giang |
Thời gian qua, cùng với các địa phương khác ở huyện Phù Cát, xã Cát Hiệp đã triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án trồng rừng WB3, góp phần tăng độ che phủ của rừng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm hộ nông dân ở địa phương.
Qua gần 8 năm triển khai Dự án (2005 - 2012), toàn xã Cát Hiệp đã có 556 hộ dân tham gia Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) và trồng được gần 744 ha rừng, tập trung ở 3 thôn Hòa Đại, Tùng Chánh và Hội Vân, với 2 loại cây chủ yếu là bạch đàn và keo lai; là xã có diện tích rừng trồng nhiều nhất huyện Phù Cát.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc rừng, các hộ tham gia Dự án WB3 đã được Ban thực hiện dự án huyện hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, được giới thiệu những đơn vị cung cấp cây giống, phân bón có uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tham gia trồng rừng cũng được quan tâm, tạo thuận lợi cho việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư vào trồng và chăm sóc rừng.
Đến nay, có 399 hộ trồng rừng WB3 ở Cát Hiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 483 ha. Các hộ trồng rừng trên địa bàn xã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 6,8 tỉ đồng, trong đó mỗi ha rừng trồng từ năm 2005 - 2008 được vay 10 triệu đồng với lãi suất 0,5%, và từ 2009 đến nay được vay 15 triệu đồng/ha, lãi suất 0,65%. Nhờ vậy, hầu hết diện tích rừng trồng theo Dự án WB3 đều được áp dụng đúng quy trình trồng rừng thâm canh, chăm sóc tốt và tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Đến nay, đã có gần 298 ha rừng trồng của 248 hộ trồng ở các năm đầu đã được khai thác, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, Cát Hiệp là một trong 2 xã của huyện Phù Cát được chọn làm điểm để thực hiện việc xin cấp chứng chỉ rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Theo đó, toàn xã có 112 hộ thuộc 5 nhóm trồng rừng được chọn để xin cấp chứng chỉ rừng FSC, với diện tích hơn 160,5 ha; đến nay đã hoàn thành hồ sơ đăng ký.
Ông Nguyễn Văn Cho, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, cho biết: “Qua gần 8 năm thực hiện dự án, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Việc trồng rừng WB3 không những giải quyết việc làm cho phần lớn lao động ở địa phương với thu nhập ổn định, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ môi trường. Nhờ thích hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, đến nay diện tích rừng trồng của nhân dân trên địa bàn xã đều phát triển tốt, nhất là cây keo lai. Một số hộ trồng rừng ở những năm đầu đã thu hoạch rừng trồng, bán được với giá từ 70 - 100 triệu đồng/ha. Dự án WB3 đã tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình ở địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Xích, ở thôn Tùng Chánh, tham gia trồng rừng theo dự án từ năm 2005 với diện tích 3,1 ha, trồng cây keo lai. Ông luôn thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo hướng dẫn nên rừng trồng phát triển tốt. Qua thu hoạch năm 2009, mỗi ha cho thu nhập trên 43 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 20 triệu đồng/ha. Ông Xích cho biết: “Tham gia trồng rừng theo Dự án WB3 đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho gia đình, qua khai thác lần đầu năm 2009, mặc dù do bão lụt gây gãy đổ và thời điểm giá xuống thấp nhưng cũng đem lại cho gia đình tôi một nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, diện tích rừng trồng đang phát triển rất tốt và triển vọng cho thu nhập cao, tôi rất phấn khởi”.
Năm 2012, xã Cát Hiệp có 36 hộ tham gia trồng rừng theo Dự án WB3 với diện tích hơn 38 ha. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho vụ trồng rừng đã cơ bản hoàn tất, các hộ tham gia trồng rừng cũng đã thực hiện xong việc xử lý thực bì và hợp đồng cây giống. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Ban thực hiện dự án tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn bà con thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trồng rừng đạt kế hoạch đề ra.
Có thể nói, qua 8 năm thực hiện trồng rừng theo Dự án WB3 ở xã Cát Hiệp đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, những cánh rừng mọc lên không những phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường mà còn tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
|