|
Một góc Cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh - Phù Cát). Ảnh: NGUYỄN HÂN |
Huyện Phù Cát đã chọn 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015 là Cát Trinh và Cát Khánh. Được nhân dân hưởng ứng tích cực, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện các tiêu chí XDNTM.
Hiệu quả bước đầu
Xác định được tầm quan trọng, mục đích và ý nghĩa của công cuộc XDNTM, Đảng bộ và chính quyền hai xã Cát Trinh và Cát Khánh đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu đâu là trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân, đâu là quyền lợi thiết thực, liên quan đến cuộc sống của người dân trong XDNTM. Tất cả các kế hoạch thực hiện đều được nhân dân ở các thôn tham gia ý kiến, cân nhắc kỹ lưỡng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
Nhờ đó, nhân dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan, môi trường thông thoáng; phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đến nay, nhân dân ở hai xã điểm đã hiến trên 5.800 m2 đất và các vật kiến trúc trị giá hàng trăm triệu đồng để mở rộng, nâng cấp hơn 6,3 km đường giao thông nông thôn; trong đó có 4 km được bê tông xi măng và 2,3 km đường cấp phối.
Qua khảo sát, bình quân các xã đạt 7- 9 tiêu chí NTM. Trong đó, các tiêu chí đạt cao như: Bưu điện, giáo dục, y tế, hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội.
Những hạn chế, bất cập
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo XDNTM huyện Phù Cát, bên cạnh những mặt tích cực, việc XDNTM ở Phù Cát cũng còn một số hạn chế, khó khăn: Tiến độ quy hoạch chậm, phần lớn các đơn vị tư vấn và các xã đều lúng túng trong công tác quy hoạch, thậm chí nhiều xã khoán trắng công tác này cho đơn vị tư vấn. Chất lượng quy hoạch thấp, thiếu gắn kết với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện, tỉnh. Còn tình trạng sao chép, rập khuôn quy hoạch giữa các xã kèm với giải pháp thực hiện chung chung, không có tính đặc thù.
Mức độ hoàn thành các tiêu chí NTM chưa cao, mặc dù các xã được lựa chọn làm thí điểm đều có điều kiện tốt về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chương trình đang quá thiên về “bề nổi”, tập trung xây dựng bộ mặt của các xã gồm một số hạng mục kết cấu hạ tầng nông thôn mà chưa thực sự gắn với nhu cầu, lợi ích thiết thực của nhân dân (đời sống văn hóa, kinh tế, thu nhập); cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hộ nghèo còn cao.
Mặt khác, một bộ phận cán bộ và nông dân chưa tích cực, chưa chủ động tham gia XDNTM. Một số ngành chưa có kế hoạch cụ thể triển khai nhiệm vụ được giao; chưa chủ động lồng ghép một cách có hiệu quả các chương trình, dự án hiện có để tăng nguồn lực XDNTM. Một bộ phận cán bộ và nông dân có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.
Nguyên nhân và giải pháp
Nguyên nhân của những hạn chế xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ và người dân về XDNTM; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp còn hạn chế, đặc biệt cấp cơ sở; trình độ dân trí nông thôn thấp; việc huy động nội lực trong dân còn gặp nhiều khó khăn; năng lực tư vấn quy hoạch XDNTM còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả XDNTM, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về XDNTM. Tổ chức đào tạo, tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ vận hành chương trình; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm XDNTM trong và ngoài tỉnh.
Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch; trong quy hoạch phải dựa vào điều kiện cụ thể của từng xã, gắn với quy hoạch của huyện, tỉnh; đảm bảo hài hòa giữa quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng với phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, văn hóa trên địa bàn xã. Cần lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực; người dân phải được tham gia tích cực vào quá trình lập quy hoạch; đảm bảo để mỗi xã, mỗi thôn có quyền tự chủ trong việc xác định các vấn đề trong quy hoạch; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho việc thực hiện các nội dung đó.
|