Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) do đầu ra gặp khó, lượng sản phẩm tồn kho còn khá lớn. Trước thực trạng này, nhiều DN đã tập trung tìm cách giải quyết đầu ra sản phẩm.
|
Công ty Đá Bình Minh (Khu công nghiệp Phú Tài) kiểm tra sản phẩm tồn kho.
|
Hàng tồn kho nhiều
Trong tình hình chung như các DN trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây tác động xấu đến hoạt động SXKD của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hầu hết DN ở tỉnh ta thuộc loại nhỏ và vừa, năng lực sản xuất yếu, thiếu vốn hoạt động. Việc quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được các DN quan tâm đúng mức, nên sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường thấp. Chính những điều này đã dẫn đến một thực tế là hàng hóa do các DN ở tỉnh ta sản xuất ra tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho lớn, gây khó khăn trong SXKD.
Ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Gạch tuy nen Bình Định, cho biết: “Từ đầu năm 2012 đến nay, lượng hàng tồn kho của đơn vị ngày càng tăng. Điều này trái ngược hẳn với những năm trước, khi sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Công ty còn tồn kho gần 4 triệu viên gạch các loại và nhiều nguyên vật liệu khác, với tổng giá trị trên 10 tỉ đồng. Do phần lớn nguồn vốn lưu động bị chôn vào lượng hàng tồn kho, nên thời gian qua đơn vị gặp nhiều khó khăn trong SXKD. Hiện cùng một lúc DN phải giải quyết 2 vấn đề, vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa hạn chế lượng sản phẩm tồn kho tăng lên”.
Các DN chế biến đá ốp lát hiện cũng đang gặp khó khăn do lượng hàng hóa tồn kho còn khá lớn. Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: “Hầu hết các DN chế biến đá ốp lát trên địa bàn tỉnh đều ở tình trạng sản phẩm tồn kho nhiều do không tiêu thụ được. Sức tiêu thụ sản phẩm đá ốp lát hiện chỉ bằng 50% so với mọi năm. Dù các DN đã giảm công suất, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn chiếm trên 30% sản lượng. Điều này đã khiến nhiều DN thiếu vốn hoạt động và chi phí bảo quản, vận chuyển cũng tăng hơn”.
Ngoài lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều lĩnh vực khác cũng lâm vào cảnh hàng tồn kho nhiều do sức mua kém. Ở ngành hàng thực phẩm chế biến, tồn kho cũng tăng ở dạng nguyên liệu và DN phải tìm cách giải phóng trong thời hạn sử dụng cho phép, nhiều khi chấp nhận thua thiệt để tìm đối tác bán ra.
Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: “Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn vì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm. Tình trạng hàng “đắp chiếu” dẫn đến nợ xấu trong nền kinh tế. Hàng tồn kho nhiều, DN bị giảm vốn, không đủ điều kiện vay vốn mới, dẫn tới khó phục hồi SXKD”.
|
Công nhân Công ty cổ phần Gạch tuy nen Bình Định chuyển sản phẩm gạch ra lò.
|
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ
Hàng tồn kho ngày càng tăng, nhiều DN phải cắt giảm sản xuất. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản xuất là việc ngoài ý muốn, bởi cắt giảm vẫn không thể thanh toán được nợ vay ngân hàng và cũng không giúp giải phóng được lượng hàng tồn. Do vậy, trong khi chờ những dấu hiệu tích cực của thị trường, nhiều DN đã chủ động tìm kiếm giải pháp giải quyết hàng tồn kho, duy trì hoạt động SXKD.
Với Công ty cổ phần Gạch tuy nen Bình Định, ông Lê Huy Hoàng cho biết: “Để đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài, ổn định lực lượng lao động có tay nghề, tránh tình trạng thiếu việc làm, lao động bỏ việc, hiện Công ty đang cố gắng duy trì sản xuất. Do lượng hàng tồn kho lớn, nên Công ty buộc phải chấp nhận giảm lợi nhuận, hạ giá thành, phát triển thêm thị trường mới, nhất là thị trường nông thôn, miền núi bằng cách trợ giá, trợ cước vận chuyển. Nhờ đó, hiện lượng hàng đơn vị bán ra tương đương với lượng hàng sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, do sức mua còn yếu, nên lượng hàng tồn kho trước đây chưa thể tiêu thụ được”.
Ông Phạm Xuân Thủy cho rằng: “Theo tôi, mở rộng thị trường và giải quyết tốt hàng tồn kho có lẽ là vấn đề cấp thiết nhất trong giai đoạn hiện nay, rồi mới áp dụng các giải pháp, chiến lược trong chính sách của Nhà nước đưa ra để đẩy mạnh phát triển SXKD. Chúng tôi đã phân tích cho các DN trong Hiệp hội thấy không nên tập trung vào một thị trường nào, bên cạnh thị trường ngoài nước, thị trường trong nước cũng là một tiềm năng nếu biết phát huy tốt. Do vậy, nhiều DN chế biến đá ốp lát trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào thị trường trong nước. Ngoài việc tăng cường các biện pháp bán hàng trực tiếp và thông qua các đại lý, một số DN đã từng bước mở rộng thị trường trong nước bằng cách linh hoạt giá bán theo chiều hướng giảm để kích thích sức mua”.
Đồng quan điểm này, ông Võ Mai Hưng cho rằng, DN cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản hơn, kết nối đầu vào - đầu ra thị trường ổn định hơn, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như sản phẩm. Bên cạnh đó, DN cũng cần nâng cao trình độ quản trị nói chung, đặc biệt quản trị tài chính để có thể phân tích chính xác chi phí và lợi nhuận, từ đó đưa ra giá bán phù hợp, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, bản thân DN nếu không liên tục nghiên cứu để phát triển sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng thì lập tức sẽ bị mất thị phần.
|