Là một bộ phận của Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm (Quỹ QGHTVL), thời gian qua, Quỹ Giải quyết việc làm địa phương (GQVLĐP) tỉnh Bình Định đã tích cực đóng vai trò “bà đỡ”, tạo điều kiện cho vay vốn giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Giúp người nghèo và đối tượng chính sách có việc làm
Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, song hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở may gia công thuộc Công ty TNHH Thành Hiệp (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) vẫn ổn định và có bước phát triển khả quan. Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (NHCSXH Bình Định), cơ sở may Thành Hiệp đã được vay 200 triệu đồng từ Quỹ GQVLĐP, tạo điều kiện GQVL cho 35 công nhân, lao động (LĐ) trên địa bàn. Đáng ghi nhận là trong số này có tới 22 LĐ là người khuyết tật, với thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
|
Khách hàng làm thủ tục vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm tại quầy giao dịch Ngân hàng CSXH tỉnh. Ảnh: văn lưu |
Cơ sở may Thành Hiệp chỉ là “ví dụ nhỏ” về tính hiệu quả từ Quỹ GQVL tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc NHCSXH Bình Định, cho biết: “Quỹ GQVLĐP là một bộ phận của Quỹ QGHTVL, được trích từ ngân sách địa phương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác dành cho lĩnh vực việc làm. Quỹ được đặt tại NHCSXH Bình Định. Quỹ cho vay hỗ trợ các dự án nhỏ nhằm tạo thêm việc làm, và cho vay xuất khẩu lao động theo Chương trình Quốc gia về việc làm của tỉnh. Nhờ nguồn vốn Quỹ GQVLĐP, nhiều dự án nhỏ của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình đã được triển khai có hiệu quả, GQVL cho người lao động thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là người tàn tật và các gia đình chính sách khác trên địa bàn. Đơn cử như hoạt động của cơ sở mát-xa người mù tại đường Trần Cao Vân và Đống Đa, TP Quy Nhơn; Cơ sở may mặc của hộ gia đình tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát… Trong đó, cơ sở may gia đình ở Tuy Phước được vay 80 triệu đồng, GQVL cho 8 LĐ; hay 1 gia đình có người khuyết tật được vay 10 triệu đồng để hành nghề may gia công cũng đã sử dụng đồng vốn hiệu quả và nay đã trả hết nợ…
Theo số liệu của NHCSXH Bình Định, đến nay hoạt động cho vay GQVL trên địa bàn tỉnh đạt trên 75 tỉ đồng trong tổng số gần 81 tỉ đồng của kế hoạch năm 2012. Trong đó vốn Trung ương chiếm gần 64 tỉ đồng, vốn địa phương trên 11 tỉ đồng, góp phần GQVL cho 1.741 LĐ thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật và các gia đình chính sách… Trong số này có 16 hộ có người tàn tật, được vay vốn 1,1 tỉ đồng. Những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác cho vay GQVL: Quy Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn.
Thêm những cơ hội mới
Kết quả hoạt động cho vay GQVL trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất đáng ghi nhận. Quỹ QGHTVL và Quỹ GQVLĐP đã đóng vai trò “bà đỡ” đối với hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 592/QĐ-UBND về Quy định “Lập, quản lý và sử dụng Quỹ GQVLĐP”. Qua đó, UBND tỉnh đã xác định rõ các quy định, như: Sử dụng Quỹ; đối tượng cho vay; điều kiện được vay vốn; về lãi suất cho vay; việc phân phối và sử dụng số tiền lãi thực thu được từ cho vay Quỹ VLĐP… Đồng thời, UBND tỉnh cũng quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ quản lý Quỹ của mỗi sở, ngành chức năng, về cơ chế ủy thác... NHCSXH Bình Định được giao nhiệm vụ thực hiện cho vay vốn theo Quyết định 592.
Đối tượng vay vốn GQVL sẽ được áp dụng theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung và Thông tư Liên tịch số 14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT và các quy định hiện hành của NHCSXH… Về lãi suất cho vay, UBND tỉnh quy định: Thực hiện theo quy định hiện hành về lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng với đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật, mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng chính sách khác.
Đáng lưu ý, Quyết định 592 quy định: NHCSXH Bình Định được trích 50% số tiền lãi thu được từ cho vay Quỹ GQVLĐP để thực hiện công tác hướng dẫn người vay vốn xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn, tổ chức thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn xử lý nợ… Việc sử dụng phí ủy thác theo quy định của NHCSXH, trong đó trích 20% để chi cho công tác lập kế hoạch cho vay và kế hoạch GQVL; kiểm tra, giám sát đánh giá chỉ tiêu tạo việc làm mới và các hoạt động cho vay vốn của Quỹ; trích 30% lập quỹ dự phòng rủi ro tại địa phương để bù đắp các khoản vốn vay từ Quỹ GQVLĐP bị tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng được UBND tỉnh quyết định xóa nợ…
UBND tỉnh cũng giao NHCSXH Bình Định chủ trì phối hợp với các Sở: LĐ-TB-XH, Tài chính, KH-ĐT thẩm định các dự án vay vốn được phân bổ, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án, chỉ tiêu tạo việc làm mới, phương án trả nợ vay của khách hàng, thực hiện giải ngân dự án, thu hồi nợ và xử lý nợ theo quy định của pháp luật.
Có thể nói rằng, Quyết định 592/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã mở ra những cơ hội mới đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhất là đối với người tàn tật. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, NHCSXH Bình Định đã chỉ đạo các Phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Quyết định 592/QĐ-UBND, nhất là công tác hướng dẫn người vay vốn xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn; thẩm định các dự án vay vốn được phân cấp trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt…
|