Thời điểm cuối năm có nền nhiệt độ thấp, là điều kiện thuận lợi cho virut lở mồm long móng (LMLM), heo tai xanh (HTX), dịch cúm gia cầm (DCGC) phát triển, nguy cơ tái phát các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) rất cao. Trước tình hình này, ngành chức năng, chính quyền và người chăn nuôi các địa phương trong tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
|
Lực lượng Thú y huyện Tuy Phước hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng chống DCGC.
|
Trước tình hình các loại dịch bệnh nguy hiểm cho GSGC có nguy cơ tái phát cao, các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về tác hại của các loại dịch bệnh này, đồng thời hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Người chăn nuôi đã ý thức hơn
Điều đáng mừng là hiện nay người chăn nuôi đã nâng cao cảnh giác với dịch LMLM, HTX, DCGC, sẵn sàng phối hợp với ngành chức năng để tiêm phòng cho GSGC, và đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Hầu hết các trang trại chăn nuôi GSGC có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ các biện pháp được ngành Thú y hướng dẫn, nhằm tránh thiệt hại về kinh tế, hạn chế nguy cơ dịch bệnh trên người.
Ông Hoàng Anh Dũng, chủ trang trại nuôi heo ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), cho biết: “Đàn heo (40 con heo nái và hơn 300 con heo thịt) của gia đình tôi đều được tiêm vắc-xin định kỳ. Tôi thường xuyên phun thuốc khử độc sát trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tối đa người lạ vào trang trại. Nhờ vậy, đàn heo của tôi vẫn đảm bảo an toàn”.
“Điều đáng mừng là hiện nay người chăn nuôi đã nâng cao cảnh giác với dịch LMLM, HTX, DCGC, sẵn sàng phối hợp với ngành chức năng để tiêm phòng cho GSGC, và đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ” |
Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đều rất xem trọng công tác phòng chống dịch bệnh GSGC. Việc triển khai phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC rất thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức tiêm vắc-xin LMLM định kỳ cho 13.589 con trâu-bò, đạt 85%, vượt 3% so với chỉ tiêu; tiêm vắc-xin dịch tả heo cho 170.526 con heo; tiêm vắc-xin phòng chống DCGC cho 161.000 con vịt đẻ. Ngoài ra, người chăn nuôi còn thường xuyên tiêm vắc-xin phòng chống dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, bệnh Ecoli… cho GSGC, nên đàn GSGC ở địa phương phát triển tốt”.
Theo ông Lê Minh Dư, Giám đốc Công ty TNHH giống gia cầm ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước): “Thời tiết có nền nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn gia cầm; dịch bệnh thường phát sinh gây hại vật nuôi, bên cạnh việc tiêm đầy đủ vắc-xin cho gà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử độc sát trùng, tôi còn tăng khẩu phần ăn giàu chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho đàn gà”.
Ông Nguyễn Văn Sáu, ở thị trấn Tuy Phước, nuôi đàn vịt gần 1.000 con, cho biết: “Thời gian này, nguy cơ tái phát DCGC là rất cao, nên tôi đã nhốt đàn vịt để chăm sóc, tăng thức ăn tươi nhằm tăng cường sức đề kháng cho vịt nuôi, hạn chế các rủi ro phát sinh”. Hầu hết các hộ chăn nuôi thủy cầm ở huyện Tuy Phước đã thực hiện biện pháp nuôi nhốt và áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Theo Chi cục Thú y tỉnh, nền nhiệt độ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thấp là điều kiện thuận lợi để virut DCGC phát triển, gây nguy cơ tái phát dịch. Mặt khác, thời gian này, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường sẽ tăng cao, dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua-bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, khó kiểm tra, kiểm soát.
Điều đáng lo ngại là hiện nay phần lớn các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng các điểm giết mổ động vật tập trung; có nơi đã xây dựng xong nhưng sớm bị đóng cửa vì không có khách hàng. Vì vậy, tình trạng mua bán, giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh thú y đang diễn ra khá phổ biến và rất dễ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, thời điểm này, người dân tập trung sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013, nên việc chăm sóc vật nuôi còn hạn chế. Mầm bệnh tồn tại trong môi trường bị ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của GSGC giảm sút là điều kiện thuận lợi để virut các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Bởi vậy, việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh GSGC trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: “Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn GSGC, Chi cục đã hỗ trợ người chăn nuôi phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi và hướng dẫn người dân chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Chi cục cũng đã cử cán bộ túc trực thường xuyên tại 3 chốt kiểm dịch Cù Mông, Bình Đê và Quy Nhơn-Sông Cầu nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển thịt và các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục đã thành lập tổ công tác phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh GSGC tại các địa phương trên địa bàn tỉnh”.
Chi cục Thú y còn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thu mua, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tại các chợ; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm tự giết mổ, tiêu thụ gia cầm đã qua kiểm dịch thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y sẽ phân công cho một số cán bộ kỹ thuật túc trực tại văn phòng Chi cục ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán để tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình dịch bệnh, thông báo kịp thời cho lãnh đạo Sở NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh định hướng chỉ đạo công tác phòng chống dịch…
|