Mới đây, Sở NN-PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm năm 2013 và khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm trong điều kiện hạn hán dẫn đến khô hạn nguồn nước ngọt phục vụ nuôi tôm. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Vũ, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh (thuộc Sở NN-PTNT), về công tác quản lý nuôi tôm trong thời gian tới.
* Ông có thể cho biết về tình hình nuôi tôm năm 2012 và công tác triển khai nuôi tôm năm 2013?
- Trong năm 2012, toàn tỉnh đã có 2.326 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm, với năng suất tôm thẻ chân trắng đạt bình quân 4,5 tấn/ha/vụ, tôm sú đạt năng suất bình quân 0,5 tấn/ha/vụ; sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh ước đạt gần 6.000 tấn (vụ 1 đạt 4.051 tấn và vụ 2 đạt 1.948 tấn), bằng 98,4% so với năm 2011 và đạt 96,8% so với kế hoạch. Do năm nay giá tôm biến động thấp hơn mọi năm nên các hộ nuôi tôm có lãi ít hơn các năm trước, tỉ lệ lãi chỉ ở mức từ 20-40% vốn đầu tư.
|
Người nuôi tôm các xã khu Đông huyện Tuy Phước dùng cơ giới tu bổ lại ao nuôi để chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm mới. |
Điều đáng ghi nhận là tình trạng dịch bệnh đã từng bước được khắc phục. Diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh cả năm trên địa bàn toàn tỉnh là 165,3 ha, chủ yếu xảy ra trên diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, chiếm tỉ lệ 6,3% tổng diện tích nuôi tôm cả năm. Một số vùng nuôi tôm trước đây thường xuyên bị dịch bệnh tấn công như thôn Huỳnh Giản thuộc xã Phước Hòa, xã Phước Sơn (Tuy Phước), Mỹ Chánh, Mỹ Thành (Phù Mỹ)... niên vụ nuôi tôm vừa qua, dịch bệnh cũng đã giảm thấy rõ.
Hiện nay, để chuẩn bị triển khai vụ nuôi tôm năm 2013 đạt kết quả tốt, Sở NN-PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm trong điều kiện năm đến có thể bị hạn hán, sẽ rất khó khăn nguồn nước ngọt nuôi tôm, nhằm giúp người dân chủ động điều chỉnh lịch thời vụ và triển khai các biện pháp nuôi tôm có hiệu quả.
* Trong điều kiện nguồn nước ngọt cấp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản được dự báo là hết sức khó khăn, lịch thời vụ năm nay có gì thay đổi, thưa ông?
-Từ những kinh nghiệm thực tiễn và kết quả hoạt động nuôi trồng thủy sản trong năm 2012, những nhận định về xu thế thời tiết, thủy văn vụ Đông Xuân sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nuôi tôm…, lịch thời vụ năm nay có một số thay đổi so với các vụ trước. Trong năm 2013, diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh khoảng 2.358,5 ha, được quy định theo các phương thức nuôi, thời gian thả giống và mật độ nuôi được ban hành cụ thể như sau: Vùng nuôi trên cát (diện tích 205,4 ha) gồm thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (Phù Cát); các xã Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Thành (Phù Mỹ) được nuôi thâm canh 2 vụ. Vụ 1 nuôi chuyên tôm, từ ngày 1.2.2013 đến cuối tháng 4; vụ II từ 1.9 đến cuối tháng 12; đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, với mật độ từ 100-120 con/m2. Ngoài ra, các vùng nuôi này có thể nuôi thêm vụ phụ từ 1.5 đến cuối tháng 7, nuôi tổng hợp giữa tôm thẻ chân trắng với các đối tượng như cá dìa, cá đối mục, cua.
Đối với các vùng cao triều gần các đầm phá, cửa sông có cơ sở hạ tầng tương đối tốt (diện tích gần 495 ha tại các xã phía Nam của huyện Hoài Nhơn như Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương, thời gian thả nuôi từ ngày 15.2 và vụ 2 từ 15.6. Mật độ thả tôm giống, đối với tôm thẻ chân trắng mật độ thả từ 50-70 con/m2, đối với tôm sú mật độ 15-20 con/m2. Đối với các vùng nuôi ở phía Bắc huyện Hoài Nhơn như Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Hoài Châu Bắc và các vùng nuôi ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn thời gian thả tôm giống vụ 1 từ 1.3 và vụ 2 từ 1.7. Các vùng trung hạ triều có cơ sở hạ tầng yếu kém, không đảm bảo nuôi hình thức thâm canh, bán thâm canh (diện tích 1.658 ha), bà con nên chuyển sang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, thân thiện với môi trường hoặc nuôi tổng hợp với các loài cua, cá, thời gian thả nuôi từ ngày 1.3.
* Là cơ quan được ngành Nông nghiệp giao quản lý công tác nuôi trồng thủy sản, Chi cục đã có các giải pháp kỹ thuật gì để khuyến cáo người nuôi tôm trong niên vụ mới?
- Để vụ nuôi tôm năm 2013 đạt kết quả tốt trong điều kiện thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng, Chi cục hiện đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật như sau: Trong từng tiểu vùng nuôi có chung nguồn nước cấp, xả, người nuôi cần tổ chức cải tạo đồng loạt, cải tạo trước vụ nuôi từ 1-2 tháng và thu gom chất thải đưa ra ngoài vùng nuôi, không được xả thải ra môi trường chung và cùng thả tôm giống trong khoảng thời gian 1 tuần, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh. Các tiểu vùng nuôi có thời gian thả tôm giống trước 1.3.2013, người nuôi cần giữ mực nước trong ao cao hơn 1,2m, độ trong đạt 20-30 cm trước khi thả giống.
Tôm giống trước khi thả nuôi phải chọn con giống đảm bảo chất lượng và phải qua công tác kiểm dịch. Giống tôm sú thả nuôi theo phương thức nuôi tổng hợp, phải ương khoảng 20 ngày trong ao đất hoặc trong giai để tôm đạt kích cỡ 3-4cm trước khi thả nuôi. Mật độ thả giống phải phù hợp cho từng vùng, mỗi vùng nuôi tôm có chung nguồn nước cấp, người nuôi tôm nên hình thành nhóm hộ tương đồng để thực hiện quản lý cộng đồng.
Khi có dịch bệnh xảy ra phải kịp thời báo cáo cho cán bộ khuyến ngư và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý; không được xả nước thải và tôm bệnh ra môi trường chung. Thực hiện “ba không” gồm không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường. Chấp hành tốt quy định xử lý, tiêu diệt mầm bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
* Xin cảm ơn ông!
|