Trong năm 2012, tỉnh ta có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, chủ yếu ở lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học. Kết quả của các đề tài góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Sở KH-CN, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nông nghiệp đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Về cây trồng, Sở NN-PTNT đã thực hiện thành công mô hình trồng mì rải vụ tại nhiều vùng đất trung du, đồng bằng, miền núi trong tỉnh, năng suất trung bình đạt 26 - 35 tấn/ha (bình quân cả tỉnh 23 tấn/ha) hàm lượng tinh bột 25%. Trồng mì rải vụ góp phần giải quyết được nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột mì hoạt động thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào mùa vụ như trước đây.
|
Mô hình trồng mì rải vụ tại huyện Vân Canh. Ảnh: HOÀNG LÂN |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số đề tài đạt hiệu quả cao như đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi, sức sản xuất của heo rừng và con lai F1, giữa heo đực rừng đã thuần chủng với heo nái cỏ bản làng miền núi”. Mô hình của đề tài này cho thấy, nuôi 5 con heo rừng nái, 1 heo đực, sau 2 năm thu lãi 35 triệu đồng. Nếu lấy công làm lời, tự sản xuất thức ăn thô xanh thì lợi nhuận tăng lên thành 50 triệu đồng. Vì vậy, một số nông dân trong tỉnh đã lập trang trại nuôi heo rừng theo mô hình này.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định đã sản xuất một số chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp như Trichoderma (Bitricho) phòng chống bệnh thối cổ rễ cho cây đậu phụng, cây ớt và Metarhizium để phòng trừ rầy nâu hại lúa. 2 chế phẩm này hiện đang được sử dụng rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh, giúp hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng.
Tiến sĩ Võ Ngọc Anh- Phó Giám đốc phụ trách Sở KH-CN, cho biết: “Tất cả những đề tài nghiên cứu cây trồng, vật nuôi mới, đều có quy trình kỹ thuật nhân giống, nuôi trồng thương phẩm, được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của người dân trong tỉnh. Các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp cũng được cơ quan nghiên cứu hoàn thiện quy trình sử dụng, sản xuất tại hộ dân, khuyến khích người dân sử dụng. Qua các mô hình, các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, quy trình kỹ thuật nuôi, trồng đã được chuyển giao cho người dân. Vấn đề cần quan tâm là cần nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả”.
|