Phát triển cây cao su ở Vĩnh Sơn
20:26', 9/12/ 2012 (GMT+7)

Hơn 3 ha cây cao su trồng ở khu vực làng K8 xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đã cho thu hoạch mủ mấy năm nay, với năng suất gần 1kg mủ/11 cây/ngày. Đây là cơ sở khoa học vững chắc để huyện Vĩnh Thạnh định hướng phát triển loại cây công nghiệp có giá trị này lên trên 380 ha vào năm 2020.

 

Cây cao su ở Vĩnh Sơn cho năng suất mủ không thua kém cây cao su ở Tây Nguyên. Ảnh: H.LÂN

 

Rừng cao su ở làng K8 trồng được hơn 10 năm, thân cây to hơn đầu người, thẳng hàng, đều tăm tắp; từ thân cây, dòng “vàng trắng” ứa ra, chảy vào chén hứng mủ. Đây là kết quả được mong đợi kể từ khi cây cao su “bén rể” ở vùng đất này. Ông Nguyễn Ngọc Đạo - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn, đơn vị trồng thử nghiệm cây cao su ở K8 - cho biết: Cây cao su ở đây phát triển khá tốt. Năng suất bình quân khoảng 1kg mủ/11 cây/ngày, như cao su trồng trên vùng đất Tây Nguyên. Kết quả này đã khẳng định cây cao su phù hợp trên đất Vĩnh Sơn. Năm nay, Công ty tiếp tục trồng mới 10 ha ở làng K3.    

Theo ông Đinh Ngái, cán bộ văn phòng UBND xã Vĩnh Sơn: Mấy năm gần đây cây cao su trồng phân tán trong dân cũng khá nhiều, tổng cộng khoảng gần 20 ha. Ở làng K3 có 3 ha. Năm 2011, được hỗ trợ của huyện, làng K2, K4, K8 trồng 10 ha cao su, chủ yếu trên đất rẫy. Hiện nay cây cao trên 2,5m, phát triển khá tốt.

Ông Đinh Zol, ở làng K2, xã Vĩnh Sơn trồng khoảng 3 ha cao su, cây đã được vài năm tuổi, sinh trưởng và phát triển khá tốt, cao chừng 2,5-3m. Đây là đất trồng cây quế, cà phê, bơ trước đây đã hết thời kỳ kinh doanh. Khi cây cao su chưa khép tán, ông trồng xen cây mì. Ông Đinh Zol là một trong những người Bana đi đầu trong việc di nhập những cây trồng mới về đất Vĩnh Sơn này. Đã từng được tham quan cây cao su ở Đăk Lắc, ông biết cây cao su mỗi năm cho thu hoạch mủ khoảng 8 tháng, đem lại thu nhập khá cao. Ông còn nói nếu bán mủ không được thì lấy gỗ, không sợ gì cả. Ông cho rằng, muốn phát triển cây cao su ở Vĩnh Sơn thì Nhà nước cần hỗ trợ bà con giống, phân bón, kỹ thuật và cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho người trồng cao su.

Vĩnh Sơn có độ cao khoảng 700 m so mặt biển là vùng đất đỏ bazan, thích hợp cho một số loại cây công nghiệp, cây ôn đới. Dân cư ở đây chủ yếu là người Bana, canh tác lúa rẫy, mì, bắp… Bà con từng phát triển cây cà phê, cây tiêu có hiệu quả, song, theo ông Đinh Ply - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn - do thiếu nước tưới nên bà con không thể mở rộng diện tích các loại cây này. Điều cơ bản nữa là giá cả không ổn định, nên không khuyến khích nhân dân đầu tư. Bên cạnh đó, trình độ thâm canh của bà con có hạn, đây cũng là yếu tố hạn chế phát triển của xã nhà.

Riêng cây cao su, theo tính toán của ông Đinh Ply, thì đó là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc hơn một số cây công nghiệp khác, lại cho thu nhập hàng ngày, ròng rã khoảng 8 tháng trong năm, nên phù hợp với bà con người Bana ở đây. Nhưng cái khó là vốn đầu tư trồng cao su khá lớn. Mỗi ha cao su trồng mới tốn khoảng 100 triệu đồng, ít nhất mỗi hộ phải trồng 1 ha thì mới có lãi. Dân ở đây nghèo quá nên khó tự mình đầu tư phát triển cây cao su. Hiện xã còn khoảng gần 400 ha đất rẫy đang trồng nhiều loại cây ngắn ngày không hiệu quả lắm, có thể chuyển qua trồng cây cao su.        

Theo ông Lê Văn Đính- Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh: Huyện đã có quy hoạch trồng cao su ở Vĩnh Sơn, với diện tích đến năm 2020 là 380 ha. Trong đó trồng tập trung 311 ha, còn lại trồng phân tán. Đất trồng chủ yếu trên đất rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và đất nông nghiệp.

Để kế hoạch trồng cây cao su thành công, huyện Vĩnh Thạnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…. liên doanh liên kết với nhân dân địa phương để cùng phát triển, cùng hưởng lợi. Riêng chính quyền sẽ tạo điều kiện về pháp lý, thủ tục nhanh chóng cho nhà đầu tư. Vì là cây dài ngày nên huyện coi trọng cây giống, phải là giống cao su phù hợp với vùng đất đỏ bazan ở độ cao 600-700m, có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng cao, do Viện Nghiên cứu cây cao su Việt Nam xác định.

  • HOÀNG LÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Heo rừng thuần, heo rừng lai F1 sinh trưởng tốt ở Bình Định  (09/12/2012)
Ra quân thi công công trình thanh niên cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn  (09/12/2012)
Bài 10: MDRT - đỉnh cao của nghề đại lý bảo hiểm  (08/12/2012)
Sản xuất rau an toàn thu hút nhiều nông dân Tây Sơn  (08/12/2012)
Ngành may mặc giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động  (08/12/2012)
Hạ lãi suất huy động  (08/12/2012)
Thị trường vẫn tiếp tục trạng thái sức ỳ  (07/12/2012)
Đầu tư hơn 2,6 tỉ đồng gia cố đê Nhơn Bình  (07/12/2012)
Tạo bước đột phá từ phát triển CN-TTCN  (07/12/2012)
Tây Sơn: Hiệu quả từ trồng rừng WB3  (07/12/2012)
Phù Cát: Sản xuất thử nghiệm thành công giống lúa mới  (07/12/2012)
Số cơ sở sản xuất tôm giống giảm mạnh  (07/12/2012)
Ngân hàng giải chấp, nhà phố rớt giá thảm hại  (07/12/2012)
Hỗ trợ sản xuất 500 bình rượu Bàu Đá đúng chuẩn  (06/12/2012)
Hiệu quả thiết thực  (06/12/2012)