Thời gian gần đây, do giá mì nguyên liệu thường xuyên ở mức cao, đầu ra thuận lợi nên diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng nhanh. Tuy nhiên, việc gia tăng quá mức diện tích mì có nguy cơ làm phá vỡ quy hoạch sản xuất, gây suy thoái môi trường đất.
|
Thu mua mì nguyên liệu tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định.
|
Diện tích mì tăng… nóng
Khác với mọi năm, vụ sản xuất mì năm nay ở tỉnh ta đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của nông dân tại nhiều địa phương do giá mì nguyên liệu đang ở mức khá cao. Trong khi người trồng mì đang phấn khởi mở rộng diện tích mì, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại lo lắng vì sợ diện tích mì tăng mạnh sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến bất cập trong cung- cầu; đất đai ngày càng thoái hóa, bạc màu; người dân xâm lấn rừng phòng hộ để trồng mì.
Ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định, cho biết: “Hiện nay, giá mì nguyên liệu đang được nhà máy thu mua ở mức 1,75 triệu đồng/tấn (mì có hàm lượng tinh bột từ 30% trở lên). Đây được xem là mức giá khá cao do nhu cầu mì nguyên liệu cần cho các nhà máy chế biến tăng, trong khi các vùng nguyên liệu mì trên địa bàn tỉnh ta và các tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch rộ. Nguyên nhân làm giá mì nguyên liệu tăng cao là do thị trường xuất khẩu tinh bột mì đang thuận lợi, giá cả tăng khá cao so với mọi năm. Hiện mì tinh bột đang được công ty xuất khẩu đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pêru… khá thuận lợi”.
Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, trong thời gian qua, ngoài việc thu mua mì nguyên liệu trong tỉnh, nhà máy đã mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… với sản lượng đạt hàng trăm tấn/ngày. Hiện đơn vị đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mì với diện tích 4.400 ha tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn; đồng thời triển khai các biện pháp canh tác rải vụ để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Theo Sở NN-PTNT, trong thời gian gần đây, diện tích mì trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2005, diện tích mì toàn tỉnh là 12.000 ha, đến năm 2007 tăng lên 13.161 ha, sang năm 2008 tiếp tục tăng lên 13.943 ha; năm 2009 tăng cao nhất với 14.032 ha; năm 2010 là 13.342 ha; năm 2012 là 13.302 ha. Diện tích mì hiện có đã vượt xa so với diện tích quy hoạch của tỉnh (quy hoạch 10.000 - 12.000 ha mì).
Theo lý giải của chính quyền các địa phương, diện tích mì tăng mạnh là do loại cây này rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm ổn định. Với năng suất mì hiện nay dao động từ 25-30 tấn/ha, giá mì ổn định 1,75 triệu đồng/tấn, mỗi ha mì cho mức doanh thu trên 50 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất thu lãi trên 30 triệu đồng. Đây là mức lãi cao trong điều kiện giá cả nông sản gặp nhiều bấp bênh như hiện nay.
|
Nông dân xã Tây Giang (Tây Sơn) làm cỏ cho mì.
|
Hạn chế mở rộng diện tích mì
Diện tích mì tăng nóng thời gian qua có nguy cơ đe dọa phá vỡ quy hoạch sản xuất tại địa phương, ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ do việc người dân phá rừng để trồng mì. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT vừa đưa ra khuyến cáo về quy hoạch lại diện tích trồng mì và định hướng phát triển mì thâm canh bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ phát triển diện tích mì ổn định ở mức từ 10.000- 12.000 ha; trong đó, quy hoạch vùng trồng mì nguyên liệu thâm canh 4.400 ha, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh. Vùng nguyên liệu tập trung thâm canh được xây dựng trên địa bàn 21 xã, thuộc 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn, năng suất bình quân từ 35-40 tấn/ha. Giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường sử dụng các giống mì cao sản, tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng mì, bảo đảm nguyên liệu ổn định cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh hoạt động.
Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Cây mì phát triển mạnh dễ dẫn đến nguy cơ làm cho các khu rừng trên địa bàn tỉnh bị tàn phá. Ngoài ra, việc phát triển ồ ạt cây mì sẽ dẫn đến nguy cơ đất đai sản xuất bị thoái hóa vì cây mì hút chất dinh dưỡng của đất rất mạnh. Những diện tích đất đã trồng mì khó có thể trồng các loại cây trồng khác vì đất bị thoái hóa, khô cằn. Để hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt diện tích mì, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng ở các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy hoạch đất sản xuất các loại cây trồng đã được tỉnh phê duyệt. Đồng thời, cần phát triển các mô hình trồng mì xen các loại cây trồng cạn khác như đậu phụng, mè, đậu nành… nhằm cải tạo đất, tăng thêm hiệu quả kinh tế. Chuyển đổi các diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…
Các giống mì được trồng phổ biến hiện nay là các giống cao sản, như: KM60, KM94, KM 98-2, KM 98-5, KM 140-2, KM 146, KM 163, SM 37026, SM 937-26…, tập trung nhiều ở các huyện Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, An Lão… Năng suất mì bình quân đạt từ 25-30 tấn củ tươi/ha, cá biệt có nơi đạt tới 35-40 tấn/ha. |
|