Toàn tỉnh Bình Ðịnh có 526 km tỉnh lộ, hầu hết đều đã được nâng cấp, thảm bê tông nhựa, thâm nhập nhựa hoặc bê tông xi măng. Tuy nhiên, qua sử dụng, nhiều tuyến đường đang xuống cấp nặng, nhưng thiếu vốn duy tu, sửa chữa.
|
Do thiếu kinh phí, nên việc duy tu, sửa chữa những tuyến tỉnh lộ chỉ được làm theo kiểu “giật gấu vá vai”.
- Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Quản lý giao thông thủy bộ Bình Định vá ổ gà tuyến ĐT 639. |
Đường xuống cấp
Trong số 14 tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, ngoài đường phía Tây tỉnh vừa mới xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, chưa xuống cấp, hầu như các tuyến còn lại đều bị hư hỏng. Trong đó, xuống cấp nghiêm trọng nhất gồm các tuyến: ĐT 639 (Nhơn Hội - Tam Quan), ĐT 638 (Diêu Trì - Mộc Thịnh), ĐT 630 (Cầu Dợi - Kim Sơn)…
Tuyến ĐT 639 có chiều dài 106 km, là mạch giao thông chính nối liền các xã ven biển các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát với TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này đang bị xuống cấp nặng, nhiều chỗ đã bong dộp; có nơi cả một đoạn dài mặt đường biến dạng, với nhiều ổ voi, ổ gà… gây cản trở và mất an toàn giao thông. Nguyên nhân, do đường quá tải, mỗi ngày phải “cõng” hàng trăm lượt xe chở cát, đá, titan… lưu thông trên đường. Tuyến đường này chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 13 tấn lưu thông, nhưng hầu hết xe vận tải đi qua đều có tải trọng hơn 20 tấn, thậm chí có nhiều xe tải trọng lên đến 30 - 40 tấn.
Tuyến ĐT 638 cũng mỗi ngày phải “gồng mình” chịu đựng hàng trăm chuyến xe chở cát, đá, mía, lâm sản… có tải trọng cao hơn nhiều so với mức cho phép, nên đường xuống cấp rất nhanh. Tuyến ĐT 630, có nơi cả một đoạn dài mặt đường bị biến dạng, cản trở việc đi lại của người dân và mất an toàn giao thông.
Ông Trần Văn Dới - Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý giao thông thủy bộ Bình Định - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ, cho biết: Sở dĩ nhiều tuyến đường tỉnh rất xấu là do quá lâu không được nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, phương tiện vận tải gia tăng, mặt đường nhỏ hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến đường xuống cấp nhanh. Phần lớn mặt đường các tuyến tỉnh lộ ở tỉnh ta chỉ rộng bình quân 5m, nên khi phương tiện tránh nhau phải đi xuống bên lề, phá hỏng mặt lề, dần dần phá hỏng lòng đường.
Ngoài ra, hệ thống tỉnh lộ ở tỉnh ta còn phải gánh chịu nhiều trận bão lũ liên tiếp từ các năm trước, gây hư hỏng và xuống cấp nhanh, vì hầu hết đều có cao trình thấp, khi mưa lũ thường bị ngập, nước tràn qua mặt đường. Phần lớn ta-luy, nền đường được gia cố bằng đất, thiếu kiên cố, vững chắc, nên khi mưa lũ và xe quá tải lưu thông nền đường bị sụt lún, gây hư hỏng nặng.
|
Tuyến ĐT 639 đang xuống cấp nặng do hàng ngày phải “cõng” nhiều xe quá tải trọng lưu thông trên đường.
- Trong ảnh: Một đoạn đường ĐT 639 xuống cấp nặng. |
Thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa
Theo quy định tại Thông tư số 10 ngày 19.4.2010 của Bộ GT-VT về quản lý và bảo trì đường bộ: Ðối với đường bê tông nhựa, sau 4 năm phải thực hiện sửa chữa vừa; sau 12 năm phải sửa chữa lớn. Ðối với đường đá dăm láng nhựa, sau 3 năm phải thực hiện sửa chữa vừa; sau 6 năm phải sửa chữa lớn. Tuy nhiên, nhiều tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đến nay đều đã quá niên hạn sửa chữa vừa và sửa chữa lớn, nhưng không thể bảo trì theo quy định vì thiếu kinh phí. |
Hầu hết những tuyến đường bị hư hỏng nặng đều đã đến thời điểm sửa chữa định kỳ, nhưng không có kinh phí. Đã vậy, từ nhiều năm nay, nguồn vốn cấp hàng năm cho công tác quản lý, duy tu cũng hạn chế, không đảm bảo yêu cầu. Do thiếu kinh phí nên việc duy tu, sửa chữa thường chắp vá, không đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, lưu lượng xe cộ lưu thông ngày càng lớn, việc đảm bảo giao thông theo kiểu “gồng mình chống đỡ” càng làm cho đường sá xuống cấp nhanh.
Ông Trần Văn Dới cho biết: Chúng tôi rất bức xúc trước sự xuống cấp nghiêm trọng của những tuyến tỉnh lộ, nhưng đành “lực bất tòng tâm”. Năm 2012, nguồn kinh phí tỉnh cấp cho công tác quản lý, bảo trì các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh là 10 tỉ đồng. So với tổng số 526 km tỉnh lộ thì 1 km đường chỉ có khoảng 19 triệu đồng/năm để phục vụ cho việc quản lý, duy tu, sửa chữa. So với quy định chung của Bộ GT-VT thì nguồn kinh phí này chỉ đạt khoảng 35-40%. Do vậy, đơn vị đảm nhận công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng đã phải cắt bớt một số hạng mục trong quy định như: đếm phương tiện qua lại, đo cường độ mặt đường, đo độ trơn trợt, độ xóc bằng phẳng, xử lý sình lún, chống chảy mặt đường… Các hạng mục còn lại cũng bị cắt giảm đi một khối lượng lớn so với định mức quy định. Cũng do thiếu vốn, những đoạn đường hư hỏng nhưng không được sửa chữa đúng định kỳ hoặc sửa chữa theo kiểu “giật gấu vá vai” là nguyên nhân khiến hệ thống tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh xuống cấp nhanh hơn.
Ông Lê Từ, Trưởng phòng Kế hoạch - Sở GT-VT, cho biết: “Do thiếu hụt nguồn tài chính nên các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh không được quản lý, bảo trì theo đúng quy định, đã hư hỏng và xuống cấp nhanh. Thêm vào đó, nhu cầu vận tải ngày càng tăng, lưu lượng xe và đặc biệt là xe tải trọng lớn tăng lên đáng kể, lại càng tăng thêm mức độ hư hỏng và xuống cấp của cầu đường. Nếu tình trạng này không được khắc phục, chỉ chừng 2-3 năm nữa phần lớn các tuyến tỉnh lộ sẽ bị hư hỏng và phải làm mới trở lại. So với nguồn vốn xây dựng mới, kinh phí cho việc duy tu, sửa chữa chỉ chiếm khoảng 20-30%...”.
|