Những năm gần đây, ngành may mặc trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh đã thu hút nhiều lao động, chủ yếu là lao động nông thôn, vào nhà xưởng làm việc. 100% học viên theo học ngành may công nghiệp đều có việc làm. Nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng cung không đủ cầu.
Ra nghề có ngay việc làm
May mặc là ngành công nghiệp thuộc diện ưu tiên trong chính sách thu hút đầu tư của Bình Định, bởi đây là ngành sản xuất giải quyết được nhiều việc làm. Những năm gần đây, hàng loạt DN may có quy mô lớn ra đời, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm và giải quyết lực lượng lao động khá lớn tại địa phương. Tuy nhiên, đóng góp đáng kể hơn của các DN may là giải quyết được nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở vùng nông thôn. Nhờ các cơ sở may xuất khẩu mà hàng chục nghìn lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định. Thu nhập của lao động tại các DN may mặc trong tỉnh hiện ở mức 2,8 - 3,5 triệu đồng/tháng. Hầu hết lao động học nghề may công nghiệp ra nghề đều được các DN tuyển dụng vào làm việc. Chị Nguyễn Thị Linh, quê ở xã Phước Hưng (Tuy Phước), tâm sự: “Tôi mới vào Trung tâm dạy nghề học nghề may được 2 tháng đã có một số DN đến tận nơi tuyển dụng, do vậy không phải lo tìm việc khi ra nghề”.
|
Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành may ngày càng nhiều, dẫn đến cung không đủ cầu nên Công ty cổ phần May An Nhơn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động. Ảnh: n.p |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề An Nhơn, trong năm 2012, đơn vị được giao chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo 120 lao động may công nghiệp. Số học viên này chưa tốt nghiệp nhưng đã có nhiều DN may trên địa bàn đến liên hệ tuyển dụng. Đầu tháng 12.2012, Trung tâm liên kết với Công ty TNHH May Âu Lạc mở 2 dây chuyền may đặt tại Trung tâm, vừa làm công tác đào tạo vừa tạo việc làm cho lao động ra nghề. Trung tâm cần tuyển 40 lao động để làm việc tại 2 dây chuyền này, nhưng đến nay chỉ mới tuyển được 12 lao động, nên dự kiến sang năm 2013 mới đưa vào hoạt động.
Bà Tăng Thị Tuyết Mai, Trưởng Phòng đào tạo, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên, cho biết: “Năm 2012, Trung tâm đăng ký đào tạo 400 chỉ tiêu nghề may nhưng Sở LĐ-TB&XH chỉ giao 120 chỉ tiêu. Dù vậy, Trung tâm đã đào tạo gần 200 lao động và các học viên ra nghề đều được các DN, cơ sở may ở Cụm công nghiệp Nhơn Bình đến tuyển dụng hết”.
Cung không đủ cầu
Ngành may phát triển mạnh là tín hiệu đáng mừng đối với Bình Định trong giai đoạn hiện nay. Vài năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nguồn lao động ngành may đã diễn ra. Trước đây, không cần thông báo tuyển dụng, các DN vẫn nhận được hàng chục hồ sơ xin việc mỗi ngày; nhưng nay, nhiều DN thông báo khá rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn không tuyển được lao động theo yêu cầu. Thậm chí, nhiều DN chấp nhận tuyển lao động chưa có tay nghề về đào tạo nhưng cũng rất khó tìm người.
Trong năm 2012, Công ty cổ phần May Tam Quan (Hoài Nhơn) tuyển 600 công nhân mới, nâng tổng số công nhân lên 3.800 người. Tuy nhiên, để tuyển được số lượng công nhân trên không phải dễ. Công ty phải cử người đến tận các xã ven biển tuyển dụng, thông báo trên các đài truyền thanh xã... Đa số lao động tuyển mới đều là lao động phổ thông, được Công ty đào tạo nghề, trong thời gian đào tạo có chính sách hỗ trợ người lao động để họ an tâm học nghề. Năm 2013, dự kiến đơn hàng nhiều nên Công ty sẽ tuyển thêm 500-700 lao động. Theo ông Đào Duy Lẹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Tam Quan, do việc tuyển lao động ngày càng khó nên Công ty phải giữ chân người lao động bằng cách quan tâm, giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách cho họ, trong đó quan trọng nhất là tạo được việc làm thường xuyên, để họ có thu nhập ổn định.
Năm 2013, Công ty cổ phần May An Nhơn cũng đưa ra kế hoạch tuyển thêm 300 lao động để nâng tổng số lao động của Công ty lên 1.500 người. Để tuyển được lao động, Công ty liên kết với các trung tâm giới thiệu việc làm, thông báo xuống tận các xã; thông qua các công nhân đang làm việc tại Công ty. Những công nhân của Công ty nếu giới thiệu được một lao động mới vào làm việc từ 3 tháng trở lên thì được Công ty chi hỗ trợ 100 ngàn đồng.
Ông Phan Thanh Nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May An Nhơn, nhận định: Ngoài các DN may quy mô lớn mở ra thì nhiều tổ hợp may cũng phát triển khá mạnh, khiến việc cạnh tranh lao động trên lĩnh vực này ngày càng quyết liệt. Do vậy, các DN muốn tuyển được lao động phải cạnh tranh lành mạnh bằng các chính sách ưu đãi hơn, thu nhập cao hơn mới thu hút được lao động.
|