Nhằm bình ổn thị trường, giá cả, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ an lành, sung túc, Sở Công Thương và các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Tăng cường cung ứng hàng hóa, kiểm soát thị trường
Có thể nói, chưa bao giờ công tác bình ổn thị trường giá cả, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán lại được quan tâm và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương như năm nay.
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở đã sớm xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ: Yêu cầu các DN trên địa bàn tỉnh có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, bao gồm lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ tiêu dùng, điện tử, điện máy, trang trí nội thất, đồ gia dụng… với nhiều mẫu mã, chủng loại, đảm bảo số lượng, chất lượng và tham gia tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá theo tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Các điểm bán hàng phải có niêm yết giá, bán theo giá niêm yết phục vụ tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa Tết của nhân dân.
|
Gian hàng của Công ty TNHH SX-TM Trường Hải tại Phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) vào giữa tháng 12.2012. |
Sở Công Thương cũng yêu cầu BQL các trung tâm thương mại, các chợ ở Quy Nhơn và ở trung tâm thị xã, huyện lỵ, thị trấn trong tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, công tác phòng cháy, chữa cháy, vận động tiểu thương tăng thêm hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn việc nâng giá bất hợp lý, thực hiện niêm yết giá hàng hóa, bán hàng theo giá niêm yết…
Riêng đối với địa bàn miền núi, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão triển khai thực hiện phương án tổ chức hoạt động dịch vụ cung ứng hàng hóa cho đồng bào miền núi đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có kế hoạch chuẩn bị chu đáo đủ lượng hàng hóa, bảo đảm đưa hàng hóa đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước Tết; triển khai kế hoạch bán hàng và thông báo cho nhân dân biết chủ trương bán hàng phục vụ Tết.
Ông Nguyễn Kim Phương cho biết: Tổng trị giá hàng hóa chủ yếu dự trữ của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh phục vụ thị trường Tết Quý Tỵ ước khoảng 821 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, giá trị hàng hóa của một số DN kinh doanh thương mại, dịch vụ lớn và các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ thuộc địa bàn TP Quy Nhơn chiếm khoảng 550 tỉ đồng; các trung tâm thương mại và chợ trung tâm các thị xã, huyện, thị trấn (kể cả miền núi) khoảng 271 tỉ đồng. |
Ngoài ra, Sở Công Thương yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể và phối hợp với các ngành liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; tăng cường phối hợp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm...
Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng
Ông Hàng Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Khánh (ở TP Quy Nhơn), cho biết: Năm nay, lượng hàng phục vụ Tết của Công ty tăng khoảng 20% so với năm trước. Chủng loại, mẫu mã hàng hóa đa dạng, phong phú hơn, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn. Đặc biệt, nhân dịp Tết Nguyên đán, Công ty có chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn (từ 20% đến 40%) và tặng quà cho khách hàng.
Có khá nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng đã đăng ký hưởng ứng thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh. Tiêu biểu như: Công ty cổ phần Lương thực Bình Định, Công ty Xăng dầu Bình Định, Công ty cổ phần PETEC Bình Định, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Bình Định (Co.opMart Quy Nhơn), Trung tâm Metro Cash & Carry Quy Nhơn, Siêu thị Vinatex Quy Nhơn, Vinatex Tam Quan, Công ty TNHH TM Anh Nhật, Công ty Gia Bảo…
Giá trị lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa năm nay ước khoảng 58 tỉ đồng; trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm khoảng 17 tỉ đồng; nhóm hàng quần áo, giày dép khoảng 7,5 tỉ đồng; hàng máy móc, thiết bị điện tử khoảng 9,9 tỉ đồng; hàng công nghệ tiêu dùng, xăng dầu khoảng trên 15 tỉ đồng…
|