Tâm lý e ngại trái cây ngoại nhập, nhất là các loại trái cây có xuất xứ Trung Quốc, của người tiêu dùng (NTD) đã khiến thị trường trái cây chuyển hướng. Trước đây, trái cây ngoại nhập thường được ưu tiên trưng bày ở vị trí đẹp tại các cửa hàng, sạp chợ… thì nay trái cây trong nước đang chiếm ưu thế và được NTD ưa chuộng hơn.
Người tiêu dùng e ngại trái cây ngoại
Thời gian gần đây, việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu hoa quả Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến mặt hàng này không còn được ưa chuộng. Các loại trái cây nhập ngoại khác như: táo, nho… cũng dần ít được chuộng vì giá cao, đồng thời NTD cũng e ngại sự nhập nhằng vì không biết đâu là sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, Úc hay Trung Quốc. Do đó, trái cây nội được NTD lựa chọn nhiều hơn.
|
Trái cây Việt Nam được bày bán tại Co.opMart Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU |
Dạo quanh các chợ ở thành phố, có thể thấy trái cây trong nước đang chiếm ưu thế. Các loại trái cây nội như: nhãn, mãng cầu, cam, thanh long, quýt, chôm chôm, xoài, sapôchê, táo xanh, ổi, măng cụt… được ưa chuộng. Trên các quầy hàng trái cây, lượng trái cây có nguồn gốc Trung Quốc như: táo, lê… đã giảm đáng kể, thậm chí có nhiều quầy không nhập hàng Trung Quốc.
Nhiều tiểu thương bán trái cây cho biết, mặc dù hiện nay trái cây Trung Quốc có giá “mềm” nhất nhưng NTD rất “ngại” mua nên nhập về cũng khó bán. Các loại trái cây nhập ngoại khác, đặc biệt là táo và nho thì sức mua cũng thấp vì giá khá cao. Hiện các loại trái cây nội chiếm tỉ lệ 80% số lượng trái cây tại các sạp chợ.
Trái cây nội được ưa chuộng
Trong vòng hai tháng qua, do mức độ tiêu thụ trái cây nội tăng, nên giá một số loại trái cây nội đã tăng cao, hầu hết đều đắt hơn so với trái cây Trung Quốc. Cụ thể, quýt Trung Quốc có giá khoảng 15.000-20.000 đồng/kg trong khi quýt nội có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg. Cam sành Trung Quốc chỉ khoảng dưới 20.000 đồng/kg, cam sành nội có giá từ 25.000-35.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một quầy trái cây ở chợ Sân Bay (TP Quy Nhơn), cho biết: Tôi không nhập trái cây Trung Quốc vì khách hàng chỉ nghe tới trái cây Trung Quốc là không mua. So với năm trước, nhiều loại trái cây ngoại đang dần bình dân hóa, trong khi giá các loại trái cây nội tăng cao, nhưng NTD vẫn nghiêng hẳn về trái cây nội. Nguyên nhân tăng giá là do các sản phẩm nội ngày càng được ưa chuộng nên nhu cầu tăng, vì vậy giá một số loại trái cây cũng tăng đáng kể. Hiện nay, các loại trái cây nội rất dễ bán vì đủ mức giá, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời điểm này, giá một số loại trái cây nội khác cũng tăng cao và chủng loại cũng phong phú hơn hẳn so với mọi năm như: thanh long khoảng 30.000đ/kg, chôm chôm 35.000đ/kg, mãng cầu 50.000 đồng/kg, vú sữa 45.000 đồng/kg, xoài 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy loại), dâu tây 70.000 đồng/kg…
|
Trái cây nội ngày càng được NTD ưa chuộng. Ảnh: VĂN LƯU |
Trái cây nội đã dần khẳng định được vị trí trên thị trường do chất lượng tươi ngon, chủng loại phong phú hơn, lại an toàn cho sức khỏe. Giá trị trái cây Việt ngày càng cao nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, nhiều loại có thể trồng quanh năm với chất lượng cao, hình thức bắt mắt không thua gì hàng ngoại. Trái cây nội đang chiếm lĩnh thị trường như hiện nay là tín hiệu vui cho các nhà vườn trong nước. Điều này cũng chứng tỏ NTD đã quan tâm hơn đến nguồn gốc, xuất xứ của trái cây và ưa chuộng hàng nội.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, hiện nay ở một số quầy hàng trái cây, người bán vẫn còn cố tình nhập nhằng xuất xứ một số loại trái cây để dễ tiêu thụ. Đơn cử như nho Trung Quốc được “gắn mác” là nho Mỹ. Hay quýt, táo, cam có xuất xứ từ Trung Quốc thì được nói là “giống ngoại nhưng được trồng trong nước”. Một số loại trái cây có xuất xứ Trung Quốc đang có bán trên thị trường như quýt vàng được gọi là quýt Thái; cam sành, cam vàng được gọi là cam Vinh... Vì vậy, NTD nên tinh ý hơn để tránh chọn nhầm.
|