Vụ trồng rừng năm 2012, ngành chức năng, các công ty lâm nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT), quanh vấn đề này.
|
Nông dân Phù Cát chăm sóc rừng mới trồng.
|
* Xin ông cho biết kết quả trồng rừng ở tỉnh ta trong năm 2012?
- Trong năm 2012, tỉnh ta đề ra mục tiêu trồng 4.000 ha rừng tập trung. Để hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã chủ động làm việc với các công ty lâm nghiệp và chính quyền các địa phương để thống nhất chủ trương, địa điểm trồng rừng và triển khai công tác đo đạc, thiết kế đất trồng rừng. Trên cơ sở diện tích đã điều tra quy hoạch, từng huyện, xã lập phương án giao đất, phối hợp với Ban thực hiện dự án xác định chính thức hộ tham gia trồng rừng và diện tích kế hoạch trồng rừng.
“Do giá gỗ nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh, mùa mưa năm nay lại ít mưa, thời tiết nắng nóng kéo dài… đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác trồng rừng” |
Về giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng, 64 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được 502,6 triệu cây giống các loại, đảm bảo đủ giống trồng rừng cho các địa phương trong tỉnh và cung ứng cho các tỉnh lân cận.
Tuy đã có sự chuẩn bị chu đáo của ngành chức năng, các địa phương và các đơn vị, cá nhân trồng rừng, nhưng do giá gỗ nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh, mùa mưa năm nay lại ít mưa, thời tiết nắng nóng kéo dài… đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác trồng rừng. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp và các đơn vị trồng rừng đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, huy động lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 9.037 ha rừng tập trung, vượt 5.037 ha so với kế hoạch. Trong đó, trồng rừng theo Dự án KfW6 do Chính phủ Đức hỗ trợ vốn là 299 ha; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng do Ngân hàng Thế giới (WB3) hỗ trợ vốn là 1.909 ha, các công ty lâm nghiệp trồng 2.273 ha, các hộ dân trồng được 4.527 ha và các Ban quản lý rừng phòng hộ trồng rừng sản xuất được 29 ha. Qua kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện khá tốt quy trình, mật độ và chú trọng quản lý, chăm sóc cây trồng, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%.
* Còn công tác giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ rừng trồng thì sao thưa ông?
- Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai khá chu đáo công tác giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ rừng trồng. Năm 2012, UBND tỉnh giao nhiệm vụ giao khoán cho dân trên 102.693 ha rừng thuộc các chương trình dự án. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng này đã được giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, giao khoán diện tích rừng thuộc Dự án WB3 trên 38.924 ha; Dự án KfW6 trên 2.572 ha và diện tích rừng trồng thuộc Chương trình 30a gần 61.197 ha. Nhờ thực hiện tốt công tác giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ rừng trồng, đã hạn chế được tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại các địa phương.
Thực tế cho thấy, công tác trồng rừng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Đối với những nông hộ tham gia trồng rừng, bà con có điều kiện tăng thu nhập, giải quyết việc làm. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các công ty lâm nghiệp và chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, nhằm duy trì và phát triển lợi ích từ việc trồng rừng.
* Mục tiêu và giải pháp của tỉnh trong công tác trồng rừng năm 2013 như thế nào, thưa ông?
- Chi cục đã xây dựng kế hoạch, giải pháp trên lĩnh vực trồng rừng cho năm 2013. Mục tiêu cụ thể là trồng 8.500 ha rừng; giao khoán cho dân quản lý, bảo vệ trên 114.752 ha rừng trồng, trong đó khoán chuyển tiếp từ năm 2012 trên 102.693 ha và khoán mới 12.039 ha. Để thực hiện đạt mục tiêu nói trên, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh sẽ phối hợp khảo sát quỹ đất, bàn bạc, thống nhất về đối tượng, địa điểm trồng rừng và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, gieo ươm cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức họp dân chọn hộ giao nhận khoán rừng, và hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!
|