Công trình cấp nước sinh hoạt Phù Cát là một trong những công trình cấp nước lớn ở Bình Ðịnh, đang được ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương vùng hưởng lợi triển khai thực hiện, nhằm giải quyết nước sinh hoạt cho người dân 2 huyện Phù Cát, Tuy Phước…
Nhiều năm qua, người dân các xã khu Đông huyện Phù Cát, như: Cát Nhơn, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Hưng và các xã Phước Thắng, Phước Hòa của huyện Tuy Phước gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt bởi mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng; nguồn nước mặt bị nhiễm bẩn do chất thải sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi… Nhất là vào mùa khô, do thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước kênh mương nhiễm bẩn, nước giếng nhiễm phèn không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
|
Thi công bồn xử lý nước của công trình cấp nước Phù Cát. |
Bức xúc về nước sinh hoạt
Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Các xã khu Đông của huyện chưa có công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, nên nguồn nước sinh hoạt bị thiếu nghiêm trọng. Do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh trong thời gian dài, nhiều người đã bị các chứng bệnh về đường ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất; tỉ lệ này khá cao”.
Tại huyện Tuy Phước, từ năm 1996 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng các nhà máy nước tại xã Phước Sơn, Phước Quang, Phước Nghĩa nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã khu Đông. Huyện Tuy Phước cũng đầu tư nhiều tỉ đồng để nối dài thêm đường ống dẫn nước đến các khu dân cư, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Tuy vậy, công suất các nhà máy nước còn thấp, đường ống từ nhà máy nước chưa đến được nhiều cụm dân cư ở vùng sâu, vùng xa, cách trở bởi sông nước. Hiện các xã Phước Thắng, Phước Hòa và một số thôn của xã Phước Thuận chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Riêng tại xã Phước Thắng, có hơn 70% số hộ thường xuyên sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Chính quyền và người dân địa phương rất mong muốn tỉnh và huyện đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, nhằm giúp bà con giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt.
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu
Công trình cấp nước sinh hoạt Phù Cát do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, gồm 13 gói thầu xây lắp, thiết bị và 1 gói thầu tư vấn giám sát với tổng vốn đầu tư gần 117 tỉ đồng, bao gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Bỉ, vốn đối ứng ODA, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn ngân sách tỉnh và các huyện hưởng lợi từ dự án. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động trong tháng 6.2013, đáp ứng yêu cầu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gần 84.400 người dân của 7 xã khu Ðông 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước. |
Trong khuôn khổ của Dự án Cấp nước và vệ sinh tỉnh do Vương quốc Bỉ hỗ trợ vốn, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã triển khai xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt Phù Cát, nhằm giải quyết nước sinh hoạt cho người dân các xã khu Đông huyện Phù Cát và một số xã của huyện Tuy Phước.
Tại khu vực xây dựng nhà máy cấp nước Phù Cát thuộc thôn Đại Hào, xã Cát Nhơn, các hạng mục công trình như: nhà máy chính, bồn xử lý, bể lắng, bể lọc, bể chứa và các trạm bơm đã cơ bản hoàn thành. Ông Hà Hùng Vỵ, đội trưởng thi công của doanh nghiệp tư nhân Nam Ngân, cho biết: “Hiện đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục nói trên, đồng thời thi công hệ thống thoát nước mưa và đường giao thông nội bộ nhà máy, dự kiến đến tháng 3.2013 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng”.
Ông Nguyễn Tấn An, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: “Công trình cấp nước sinh hoạt Phù Cát đang được triển khai theo đúng lộ trình. Đến nay, có 12/13 gói thầu đã cơ bản hoàn thành. Chất lượng các hạng mục công trình được giám sát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu. Hiện chúng tôi đang xúc tiến trao thầu gói thầu cuối cùng - mua sắm thiết bị, đồng thời yêu cầu các nhà thầu hoàn thiện các hạng mục công trình đã và đang xây dựng. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn đến tháng 6.2013 công trình sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động cấp nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn QCVN:01/2009/BYT của Bộ Y tế cho toàn vùng hưởng lợi của dự án”.
|