Doanh nghiệp nhỏ, thách thức lớn
19:54', 28/12/ 2012 (GMT+7)

Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của không ít doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do phải chịu tác động mạnh từ những bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Việc bảo toàn vốn, đảm bảo SXKD ổn định đang là thách thức lớn đối với các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, số lượng DN nhỏ trên địa bàn tỉnh ta tăng rất nhanh, nhất là từ khi Luật DN ra đời (năm 2005). Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 DN, tăng gấp đôi so với trước khi có Luật DN, trong đó có trên 70% là DN nhỏ, số vốn dưới 5 tỉ đồng. Ông Phạm Đình Tòng, Trưởng phòng Quản lý kinh doanh- Sở KH-ĐT, cho biết: “DN nhỏ thành lập dễ nhưng rất khó… lớn lên. Nguyên nhân, do quy mô nhỏ, khó cạnh tranh và tạo được tác động lan tỏa tốt so với các DN nhà nước, các DN liên doanh”.

 

Công ty TNHH Cơ khí Đông Hải - một trong những DN nhỏ có nhiều nỗ lực trong hoạt động SXKD.

- Trong ảnh: Một góc phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Cơ khí Đông Hải.

Khó khăn nhiều bề

Vài năm qua, ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong SXKD, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn hoạt động. Để có đủ vốn hoạt động, các DN nhỏ ở tỉnh ta phải dựa vào vốn vay của ngân hàng. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng sẵn lòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của DN, đặc biệt là đối với các DN nhỏ. Bởi lẽ, đối với các DN nhỏ không chỉ hạn chế về nguồn lực tài chính mà giá trị tài sản thế chấp hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, nếu các DN nhỏ gặp rủi ro thì rất dễ bị phá sản. Đây chính là lý do các ngân hàng thương mại thường không “mặn mà” cho các DN nhỏ vay vốn.

Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty An Phúc Thịnh (ở thị xã An Nhơn), chuyên sản xuất bàn ghế nhựa, cho biết: Trước đây DN chúng tôi có thể thanh toán tiền mua nguyên liệu sản xuất bằng cách trả sau hoặc gối đầu cho nhà cung cấp với giá theo hợp đồng ký kết. Trong thời điểm khó khăn vừa qua, điều này ít được nhà cung cấp chấp nhận, mà phải “tiền trao cháo múc”, nên chúng tôi gặp khó khăn về nguồn vốn. Trong khi đó, để vay được vốn của ngân hàng thì không  hề đơn giản vì tài sản thế chấp của chúng tôi có hạn. Điều này đã đẩy DN vào chỗ phải thu hẹp dần quy mô SXKD.

Ngoài ra, các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Bên cạnh một số DN có mặt bằng sản xuất ổn định ở các khu, cụm công nghiệp tập trung, phần lớn các DN nhỏ đều tận dụng diện tích mặt bằng nhà ở làm cơ sở SXKD. Bên cạnh đó, khả năng quản lý, điều hành SXKD của nhiều chủ DN nhỏ còn hạn chế. Theo khảo sát của Sở Công Thương, tỉ lệ DN nhỏ cải tiến sản phẩm có xu hướng giảm trong thời gian qua. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, có thể thêm nhiều DN nhỏ sẽ phải sớm rút lui khỏi thị trường. Và thực tế cho thấy, trong năm 2012 vừa qua đã có khoảng gần 100 DN nhỏ trên địa bàn tỉnh phải giải thể và nhiều DN đã ngừng hoạt động chờ giải thể.

Cách nào vượt khó?

Với những diễn biến bất lợi như trên, để vượt khó, ổn định tình hình SXKD, đòi hỏi các DN nhỏ phải có giải pháp phù hợp. Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Hội các nhà DN trẻ Bình Định, cho biết: “Hiện nay, chi phí đầu vào tăng từ 30-35% so với năm 2011, nhưng DN rất khó trong việc điều chỉnh giá bán sản phẩm, bởi còn phải cân nhắc đến khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Để tồn tại, các DN đã phải tiết kiệm đến mức tối đa các khoản chi phí không cần thiết. Các dây chuyền sản xuất đều được tính toán lại khả năng sinh lợi, công suất của máy móc thiết bị, định mức nguyên liệu… để có kế hoạch SXKD sao cho đạt hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các DN nhỏ cũng cần tăng cường công tác quản lý, từng bước đổi mới thiết bị công nghệ và đàm phán với khách hàng để tăng giá đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, những giải pháp mà các DN nhỏ đưa ra cũng rất khó thực hiện vì thiếu vốn”.

DN nhỏ không chỉ hạn chế về nguồn lực tài chính mà giá trị tài sản thế chấp hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, nếu các DN nhỏ gặp rủi ro thì rất dễ bị phá sản. Ðây chính là lý do các ngân hàng thương mại thường không “mặn mà” cho các DN nhỏ vay vốn

Thực tế cho thấy, nhu cầu tín dụng của các DN nhỏ vẫn rất cao và các rào cản tín dụng đối với các DN nhỏ chưa được cải thiện nhiều. Các chính sách hỗ trợ DN nhỏ vượt qua các rào cản tín dụng vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Ông Lê Văn Hồng kiến nghị: “Đứng về phía các DN, chúng tôi mong rằng trong thời gian đến các ngân hàng thương mại cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn vốn cho các DN nhỏ đẩy mạnh SXKD. Trong đó, cần tạo điều kiện để các DN đang thiếu điều kiện về tài sản thế chấp vẫn có thể vay được vốn ngân hàng nếu có dự án khả thi. Ngoài ra, phía ngân hàng cần phát triển các dịch vụ tư vấn lập kế hoạch, phương án SXKD, quản lý tài chính, quản lý dòng tiền cho DN, để hỗ trợ DN quản lý tài chính hiệu quả hơn, nhằm giảm rủi ro cho DN và cả ngân hàng”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để vượt khó, ổn định SXKD trong điều kiện phải cạnh tranh với các DN lớn, đồng thời chịu rất nhiều bất lợi do quy mô nhỏ gây ra thì dứt khoát các DN nhỏ phải tìm lối đi riêng. Thị trường ngách, thị trường nội địa vẫn là những thị trường tiềm năng đối với các DN nhỏ ở bất cứ quốc gia nào. Đặc biệt, thị trường trong nước với dân số 86 triệu là một thị trường giàu tiềm năng. Do vậy, việc tập trung vào sản phẩm cốt lõi, cải tiến sản phẩm, đảm bảo chất lượng chuẩn và có chiến lược xâm nhập thị trường... là những vấn đề mà DN nhỏ cần quan tâm áp dụng. Ngoài ra, vấn đề rất cần thiết trong hiện tại và cả tương lai là Nhà nước cũng cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các DN nhỏ phát triển một cách ổn định.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chứng khoán trong nước có một tuần lạc quan   (28/12/2012)
Đáp ứng nguyện vọng của người dân  (28/12/2012)
Kinh tế Tây Sơn tiếp tục tăng trưởng khá  (28/12/2012)
Năm 2013, phấn đấu GDP tăng từ 8,5 đến 9%  (27/12/2012)
Thành công trên nhiều lĩnh vực  (27/12/2012)
Nghiệm thu bàn giao công trình nâng cấp, cải tạo kênh mương tại Vĩnh Thạnh  (27/12/2012)
Khai trương siêu thị Vinatex Tây Sơn  (27/12/2012)
Hơn 5,2 tỉ đồng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đồng bào miền núi   (26/12/2012)
Cơ hội đi cùng thách thức   (26/12/2012)
Tăng cường quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản  (26/12/2012)
Nhiều khu dân cư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết   (26/12/2012)
Công bố nhãn hiệu tập thể nước mắm truyền thống Tam Quan  (26/12/2012)
Việt Nam nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia  (26/12/2012)
Đầu tư trên 1 tỉ đồng để chống hạn  (25/12/2012)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0,3% so với tháng 11  (25/12/2012)