Quy hoạch khu du lịch ghềnh ráng - đôi điều suy ngẫm
10:5', 30/12/ 2012 (GMT+7)

Bãi tắm Hoàng Hậu trong quần thể khu du lịch Ghềnh Ráng - Quy Nhơn. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT

Quy Nhơn là đô thị biển có địa hình tự nhiên phong phú, hệ thống cảnh quan núi, biển, đảo, đầm biến đổi đa dạng, không gian tự nhiên hài hòa. Các tài nguyên về nhân văn, văn hóa, lịch sử… cũng là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch biển của Quy Nhơn, trong đó có khu vực Ghềnh Ráng lại chưa như mong đợi.

Tiềm năng du lịch biển

Thiên nhiên đã tạo cho Quy Nhơn 42km bờ biển đẹp, là một tài nguyên quan trọng làm nền tảng phát triển Quy Nhơn thành một đô thị du lịch biển. Theo chúng tôi, để xây dựng được mục tiêu phát triển Quy Nhơn thành một đô thị du lịch biển đúng với tiềm năng và thế mạnh của mình, các nhà quản lý cần tính đến vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch biển bằng các sản phẩm du lịch có tính khác biệt với các đô thị du lịch biển tại Việt Nam hoặc của các nước trong khu vực. Dưới góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc và các nhà quản lý đôi điều suy nghĩ về việc khai thác khu du lịch Ghềnh Ráng, như là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi điểm tham quan du lịch của Quy Nhơn.

Tổng thể khu du lịch Ghềnh Ráng là núi Xuân Vân có diện tích khoảng 168ha, cao độ đỉnh núi khoảng 242m. Ghềnh Ráng còn được biết đến với địa danh Ghềnh Ráng - Tiên Sa, là một thắng cảnh nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ lạ của đá. Vùng đất này được xếp vào hàng “đệ nhất” trong các danh thắng ở Bình Định không chỉ với những cảnh đẹp đượm màu huyền thoại, giàu tính nhân văn mà còn bởi nó ôm ấp trong mình hình hài một nhà thơ lớn đầu thế kỷ: Hàn Mặc Tử. Đây là địa điểm diễn ra đêm hội thơ Nguyên Tiêu vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm. Năm 1927, Ghềnh Ráng đã được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ dưỡng, có bãi tắm dành riêng cho Nam Phương Hoàng hậu. Từ năm 1991, Bộ Văn hóa- Thông tin đã ra quyết định xếp hạng Ghềnh Ráng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Đôi điều suy ngẫm

Về quan điểm, cần xem tổng thể núi Xuân Vân và Ghềnh Ráng là một thể thống nhất, khi đưa vào khai thác phục vụ du lịch cần hướng đến mục tiêu: phát triển thành “Khu du lịch văn hóa-sinh thái” độc đáo của Quy Nhơn có tính đại chúng, là tài sản của cộng đồng. Gắn với khai thác kinh doanh du lịch phải bảo vệ hợp lý giá trị danh thắng di tích cấp quốc gia đã được công nhận; khai thác hiệu quả địa hình tự nhiên của núi Xuân Vân, đặc biệt là khu vực đỉnh núi. Khu du lịch này là điểm đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan của du khách, là nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật (câu lạc bộ thơ, cờ, biểu diễn bài chòi, trưng bày, giới thiệu sinh vật cảnh, các hoạt động về hội họa,…), là nơi có thể diễn ra các hoạt động của học sinh - sinh viên, các hoạt động dưỡng sinh, thể dục của người cao tuổi. Bên cạnh đó, việc phục chế lại lầu Bảo Đại cũng cần thiết để phục vụ du khách tham quan.

Đỉnh núi Xuân Vân có cao độ 242m, có tầm nhìn đẹp từ các hướng của thành phố và ngược lại, là địa điểm lý tưởng để xây dựng một công trình điêu khắc, kiến trúc đặc biệt có chiều cao lớn, tạo dấu ấn rất riêng của TP Quy Nhơn. Trên thế giới, một số nơi đã làm rất thành công đối với các địa điểm tương tự như vậy. Tuy nhiên, cụ thể là tác phẩm gì tại địa điểm nêu trên thì cần phải có thời gian nghiên cứu bởi các nhà chuyên môn, của người dân có tâm huyết. Tiếp đến, cần phải nghiên cứu giá trị của đỉnh núi Bà Hỏa và Vũng Chua; cải tạo, nâng cấp tượng đài Đức Thánh Trần, vì đây là các điểm cao cùng với đỉnh núi Xuân Vân có giá trị về cảnh quan và có mối liên hệ với nhau về cảnh quan đô thị.

Việc xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng (resort) tại Khu du lịch Ghềnh Ráng cần phải hết sức cân nhắc. Theo kinh nghiệm của các khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng tại nhiều nơi, địa điểm để xây dựng các khu nghỉ dưỡng thường là ở các nơi có cảnh quan đẹp, yên tĩnh, xa đô thị và không gắn với danh thắng di tích.

Chúng tôi được biết, vừa qua UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư giai đoạn 2 Khu du lịch Ghềnh Ráng. Tôi rất vui mừng và cho rằng đây là cơ hội để quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ghềnh Ráng đảm bảo đúng với giá trị vốn có của một danh thắng.

Trên đây là một số cảm nhận, suy ngẫm có tính chất cá nhân của một người làm công tác chuyên môn. Việc quy hoạch sử dụng một cách hiệu quả, hợp lý Khu du lịch Ghềnh Ráng cần có thời gian để các nhà tư vấn nghiên cứu, có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động du lịch, của người dân thành phố và quyết định đúng đắn của người có thẩm quyền. Hy vọng, trong tương lai không xa, Khu du lịch Ghềnh Ráng sẽ  trở thành một Khu du lịch văn hóa-sinh thái, là điểm đến với sản phẩm du lịch có tính độc đáo riêng, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của TP Quy Nhơn.

  • KTS. Lê Đăng Tuấn

(Hội KTS Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phong phú đặc sản biển Bình Định  (30/12/2012)
Dẫn đầu các cảng khu vực miền Trung  (29/12/2012)
Quy Nhơn sẽ đúc bê tông xi măng 152 đường hẻm  (29/12/2012)
Các hồ thủy lợi được bổ sung một lượng nước đáng kể  (29/12/2012)
Doanh nghiệp nhỏ, thách thức lớn  (28/12/2012)
Chứng khoán trong nước có một tuần lạc quan   (29/12/2012)
Đáp ứng nguyện vọng của người dân  (28/12/2012)
Kinh tế Tây Sơn tiếp tục tăng trưởng khá  (28/12/2012)
Năm 2013, phấn đấu GDP tăng từ 8,5 đến 9%  (27/12/2012)
Thành công trên nhiều lĩnh vực  (27/12/2012)
Nghiệm thu bàn giao công trình nâng cấp, cải tạo kênh mương tại Vĩnh Thạnh  (27/12/2012)
Khai trương siêu thị Vinatex Tây Sơn  (27/12/2012)
Hơn 5,2 tỉ đồng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đồng bào miền núi   (26/12/2012)
Cơ hội đi cùng thách thức   (26/12/2012)
Tăng cường quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản  (26/12/2012)