Vụ Hè Thu (HT) năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân…
|
Nông dân xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) cải tạo đồng ruộng chuẩn bị sản xuất vụ Hè Thu.
|
Dự báo nhiều khó khăn
Vụ HT năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 42.336 ha lúa, dự kiến sản lượng 245.680 tấn, trong đó vụ Hè sản xuất 24.285 ha, vụ Thu sản xuất 18.077 ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi, phấn đấu phát triển đàn bò 270 ngàn con, tỉ lệ bò lai đạt 70% tổng đàn; đàn heo 750 ngàn con và 6,4 triệu con gia cầm.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, để đạt mục tiêu trên là không đơn giản, bởi thời tiết vụ HT được dự báo sẽ xảy ra nắng nóng kéo dài, gây hạn trên diện rộng. Thời tiết khô nóng bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 4 - thời điểm xuống giống lúa - và kết thúc khoảng cuối tháng 8. Đây cũng là thời điểm gió Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh. Thời tiết diễn biến phức tạp sẽ tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tưới hiện có tại các hồ chứa nước trong tỉnh cũng chưa đảm bảo đủ nước tưới cho cây lúa vụ HT. Nhiều diện tích lúa ở An Lão, một phần của huyện Hoài Ân, các xã phía Tây và Đông Nam huyện Hoài Nhơn, các xã phía Bắc huyện Phù Mỹ và các xã phía Bắc huyện Phù Cát sẽ bị hạn trong vụ HT này.
Thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng trong vụ HT đang ở mức cao. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chuột sẽ phát triển mạnh về số lượng và gây hại lúa HT ngay từ đầu vụ; sâu đục thân hai chấm và rầy nâu, rầy lưng trắng, mỗi loại sẽ có 3 đợt ra rộ gây hại lúa HT. Các loại sâu bệnh khác, như sâu năn, bọ trĩ, bệnh lem lép hạt, khô vằn cũng sẽ phát sinh mạnh gây hại lúa giai đoạn đòng trổ. Vi-rút các loại dịch bệnh: lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm; vi-rút gây bệnh đốm trắng ở tôm nuôi… tiềm ẩn trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, gây hại.
Trong vụ sản xuất này, nhiều khả năng giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư phát triển sản xuất của nông dân…
Chủ động triển khai nhiều biện pháp sản xuất
Trước tình hình nói trên, để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, cơ cấu giống và chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, vụ HT năm nay, cơ cấu giống đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Cụ thể là vụ Hè chân 3 vụ lúa/năm sử dụng các giống lúa chủ lực trung và ngắn ngày, như ĐV 108, ĐV8, ML202, VTNA1. Tùy theo sinh trưởng của từng giống, bắt đầu xuống giống từ 15.3-10.4, cho lúa trổ sau tiết Tiểu mãn (ngày 20.5) từ 5-6 ngày, đề phòng mưa lũ tiểu mãn gây hư hại giống. Vụ Thu tập trung sản xuất trên chân 2 vụ lúa, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai dài ngày có tiềm năng năng suất cao, như: ĐV108, ĐB6, VĐ8, SH2, Nhị ưu 838, BTE1, BIO 404, TH3-3, SYN6… nhằm đảm bảo sản lượng lương thực. Tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống mà bố trí gieo sạ từ ngày 15.5, cho lúa tập trung vào đầu tháng 8.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và tập trung gieo sạ từng vùng, từng cánh đồng. Về mật độ gieo sạ, với giống lúa thuần cấp 1 gieo sạ lan, nên sử dụng từ 100-120kg/ha là hợp lý; sạ bằng công cụ sạ hàng sử dụng lượng giống từ 70-80kg/ha; với lúa lai gieo sạ từ 40-50kg/ha. Vụ HT, cây trồng thường sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nông dân cần bón phân cân đối và phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc bốn đúng để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Đối với ngành nghề chăn nuôi, vụ sản xuất này, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi; hạn chế nhập giống từ các địa phương khác nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đàn gia súc, gia cầm nhập tỉnh; tiếp tục tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác cho gia súc, gia cầm.
Hiện nay, các đơn vị chức năng thuộc Sở NN-PTNT đã triển khai phục vụ sản xuất vụ HT. Ngoài nguồn lúa giống dự trữ từ vụ Đông Xuân 2011-2012, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã ký hợp đồng với các HTXNN trong tỉnh sản xuất và thu mua lúa giống nguyên chủng và giống cấp 1 để cung ứng cho các địa phương sản xuất. Chi cục Bảo vệ thực vật đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra tình hình sâu bệnh; dự tính, dự báo sâu bệnh gây hại và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ cụ thể, hợp lý. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi đã và đang tu bổ các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng; phối hợp với các địa phương kiểm tra đánh giá tình hình nguồn nước, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình do Công ty quản lý, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất…
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT:
Sở đã thông báo cho chính quyền và nông dân các địa phương biết lịch thời vụ, nguồn giống, cơ cấu giống, chính sách hỗ trợ về giống lúa của tỉnh… để các địa phương chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ phù hợp. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng, Chi cục Bảo vệ thực vật chủ động nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng đầy đủ và kịp thời cho nông dân. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi nạo vét kênh mương, cân đối nguồn nước và cung cấp nước tưới kịp thời. Sở cũng đã thành lập đoàn công tác cùng phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng trừ chuột, sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. |
|