Quý I năm nay, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhiều ngành kinh tế của tỉnh ta đã có sự tăng trưởng theo chiều hướng tích cực. Trong đó, đáng chú ý là các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng ấn tượng so với các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra…
Tăng trưởng ấn tượng
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ba tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế của tỉnh có sự chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Đáng chú ý là thị trường hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - năm 2012 đã diễn ra khá sôi động, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu sản xuất, mua sắm của người dân. Ngành Công nghiệp có nhiều doanh nghiệp (DN) đã tìm hướng đi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ký kết được nhiều đơn hàng, sản xuất ổn định và phát triển. Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường có hiệu quả các biện pháp huy động vốn, giảm lãi suất cho vay, góp phần mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh...
|
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng khá cao trong quý I.2012.
- Trong ảnh: Công nhân Công ty Seplus (An Nhơn) đang sản xuất. Ảnh: văn lưu |
Trong quý I năm nay, tổng sản phẩm địa phương (GDP) ước đạt 2.130,3 tỉ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%, công nghiệp và xây dựng tăng 11,8%, dịch vụ tăng 7,4%. Về cơ cấu kinh tế, tỉ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 35%, công nghiệp- xây dựng chiếm 24,3%, dịch vụ chiếm 40,7%.
Giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh quý I ước đạt 575,1 tỉ đồng, bằng 27,2% kế hoạch năm 2012, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 30.000 ha/47.643 ha lúa vụ Đông Xuân, năng suất bình quân đạt 63,2 tạ/ha. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 340 tỉ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 32.675 tấn, tăng 5,7%; trong đó, cá ngừ đại dương khai thác đạt 1.030 tấn, giá thu mua ổn định từ 95-105 ngàn đồng/kg nên hầu hết ngư dân đều có lãi.
Về sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất toàn tỉnh trong quý I ước đạt gần 2.000 tỉ đồng, bằng 20% kế hoạch năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó, DN nhà nước tăng 6,3%, DN ngoài quốc doanh tăng 14,2%, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9%, cơ sở sản xuất cá thể tăng 15,4%. Trong 23 mặt hàng công nghiệp chủ yếu của tỉnh, 18 mặt hàng có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ, một số mặt hàng tăng khá như: quặng ti tan 52% TiO2 tăng 38,3%, thủy sản ướp đông tăng 19,2%, dăm gỗ tăng 23,5%, bia đóng chai tăng 29,8%...
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt trên 8.100 tỉ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 124 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ; trong đó, kinh tế nhà nước đạt 14,7 triệu USD, kinh tế tư nhân đạt 103,9 triệu USD và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,4 triệu USD. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng khá cao trong ba tháng đầu năm như: hàng dệt may, hàng thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, khoáng sản...
Tiếp tục nỗ lực vượt khó
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong quý II vừa được UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo các sở, ngành chức năng cũng đã nêu ra những khó khăn, tồn tại như: chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của một số lĩnh vực kinh tế còn hạn chế; sức cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ còn thấp; các yếu tố do tác động từ lạm phát, giá cả xăng dầu biến động và việc lãi suất tín dụng tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn ở mức cao… đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án đăng ký đầu tư còn chậm…
Để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng trong quý II, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung quán triệt và thực hiện những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội một cách có hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho nền kinh tế.
Theo đó, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Đông Xuân; đồng thời triển khai vụ Hè Thu, hướng dẫn nông dân tiết kiệm nước tưới, tận dụng tối đa nguồn nước để mở rộng diện tích lúa ở những vùng có đủ nước tưới, đảm bảo cơ cấu, chất lượng giống lúa theo quy định của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn phòng chống các loại dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm (GSGC), đặc biệt là dịch cúm gia cầm; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tiêm phòng dịch bệnh cho GSGC. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ GSGC và các phương tiện vận tải chuyên chở động vật ra vào tỉnh trên các tuyến quốc lộ, tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra, phát hiện và chủ động xử lý kịp thời dịch bệnh tôm nuôi.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành Công Thương tiếp tục chỉ đạo giải quyết khó khăn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chú trọng ngành chế biến đá, gỗ, đường, tinh bột sắn, bia, tân dược, may mặc… nhằm tăng giá trị sản lượng công nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu; đẩy mạnh công tác khuyến công, chú trọng tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã ban hành. Tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp, nhất là khu du lịch Hải Giang, khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội…
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho rằng: Nếu các ngành, các cấp, các địa phương tập trung mọi nỗ lực, biện pháp để chỉ đạo phát triển kinh tế, thì việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển trong quý II là rất khả quan.
|