Mới đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã tổ chức tổng kết các mô hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2011-2012 ở một số địa phương trong tỉnh. Hiệu quả mang lại của các mô hình này được đánh giá là khá tích cực…
|
Mô hình sản xuất giống lúa DT45 ở xã Phước Thắng. |
Ở mô hình sản xuất giống lúa gắn với cộng đồng tại HTXNN Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), Trung tâm KNKN đã đưa vào sản xuất giống lúa mới cao sản OM 6976 trên diện tích 1,8 ha. Cây lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển khá tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, hạn chế được đổ ngã; thời gian sinh trưởng trung bình ở vụ Đông Xuân là 105-110 ngày; chịu thâm canh cao; chưa có đối tượng sâu bệnh nào gây hại; năng suất lúa tại mô hình ước đạt hơn 72 tạ/ha. Ngoài ra, còn có hai giống lúa mới là Hương Xuân và PB2 được đưa vào sản xuất thử, đều sinh trưởng và phát triển khá tốt; năng suất giống Hương Xuân đạt 62 tạ/ha, giống PB2 đạt 64 tạ/ha. Đặc điểm chung của các giống lúa trong mô hình là chống chịu sâu bệnh khá; hạt gạo thon dài, cơm mềm và thơm.
Tại HTXNN Phước Thắng (huyện Tuy Phước),, Trung tâm KNKN, Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước đã phối hợp với Công ty Nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi thực hiện mô hình sản xuất nhân giống lúa thuần cao sản DT45 với quy mô 10 ha, 58 nông hộ tham gia. Thực tế sản xuất cho thấy khả năng vượt trội của giống lúa DT45 so với các giống lúa thuần hiện được sản xuất đại trà ở địa phương; chưa có đối tượng sâu bệnh nào gây hại; năng suất đạt khá cao - 81,4 tạ/ha. Toàn bộ giống lúa DT45 sản xuất tại mô hình được Công ty TBT bao tiêu với giá 1 kg lúa giống bằng 1,25 lúa thương phẩm.
Trung tâm KNKN tỉnh đang có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất thử các giống lúa thuần nói trên trong thời gian tới và đề nghị Sở NN-PTNT xem xét đưa vào cơ cấu sản xuất của tỉnh trong các năm tiếp theo, nhằm thay thế các giống lúa cũ đã bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh và phẩm chất gạo kém.
Tại mô hình thâm canh lúa lai vùng khó khăn về lương thực ở xã miền núi Vĩnh An (huyện Tây Sơn), quy mô 2 ha, với giống lúa lai TH 3-3, có 20 hộ đồng bào Bana ở làng Kon Mon trực tiếp tham gia. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt, hầu như không bị các loại sâu bệnh gây hại, thời gian sinh trưởng khoảng 90-95 ngày, năng suất bình quân 58 tạ/ha (giống đối chứng lúa thuần DV 108 tại Vĩnh An chỉ đạt 38 tạ/ha).
TH3-3 là giống lai sản xuất trong nước, giá lúa giống thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, mức đầu tư không cao, phù hợp với khả năng đầu tư, nên nông dân tích cực tham gia mô hình. Đặc biệt, cả làng Kon Mon có gần 45 ha đất ruộng trồng lúa, thì bà con đã học tập làm theo trên diện tích 40 ha ngay trong vụ Đông Xuân, với giống TH3-3, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha.
Mô hình thực hiện thành công đã giúp bà con Bana Vĩnh An bước đầu nắm bắt được tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, thực hiện thâm canh cây lúa lai đạt năng suất cao, để từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.
|