Ba tháng đầu năm 2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2011; nhiều nhóm hàng, mặt hàng chủ lực giảm cả về khối lượng và giá trị. Liệu quý II năm 2012, các doanh nghiệp (DN) hoạt động XK trên địa bàn tỉnh có vượt qua khó khăn, thách thức…
Nhiều nhóm hàng XK chủ lực bị giảm sút
Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Lương thực Bình Định là một trong số các DN trên địa bàn tỉnh đạt giá trị KNXK cao. Tuy nhiên, giá trị KNXK quý I năm 2012 của Công ty chỉ đạt trên 11,3 triệu USD, bằng 73% so với cùng kỳ 2011.
|
Xuất khẩu hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU |
Trên thực tế, không chỉ Công ty cổ phần Lương thực Bình Định, mà từ cuối năm 2011 đến nay, KNXK nhóm hàng nông sản ngày càng có xu hướng giảm. KNXK quý I năm 2012 của nhóm hàng này giảm đến 20,3%; trong đó, mặt hàng sắn lát giảm cả về số lượng và giá trị; hoạt động XK gạo cũng gặp khó.
Một trong các nhóm hàng XK chủ lực của tỉnh là lâm sản, thì quý I năm 2012, giá trị KNXK ước thực hiện gần 70 triệu USD, giảm 7,2%. Một số DN có KNXK quý I giảm như: Giá trị KNXK của Công ty TNHH Thế Vũ chỉ đạt 444 ngàn USD, bằng 34% so với cùng kỳ 2011; Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn ước đạt 258 ngàn USD, bằng 61,4%; Công ty cổ phần Lâm nghiệp 19 trên 2 triệu USD, gần bằng 75%; Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Duyên Hải 1,9 triệu USD, gần bằng 60%; Công ty cổ phần chế biến đồ gỗ nội thất PISICO trên 1 triệu USD, bằng 72%... Nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng cũng chỉ thực hiện được 7,7 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2011…
Theo thống kê của Sở Công Thương, quý I năm nay, tổng giá trị KNXK toàn tỉnh ước thực hiện 124 triệu USD, đạt gần 26% kế hoạch năm và chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị KNXK của các DNNN ước đạt trên 1,8 triệu USD, bằng 77,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Một số giải pháp
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, phân tích: Do suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công nên nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm có giá trị ngày càng suy giảm. Đồng thời, giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi tỉ giá ngoại tệ không ổn định… tác động không nhỏ đến hoạt động của các DN. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu tiếp tục áp đặt những “rào cản kỹ thuật”. Lãi suất vốn vay ngân hàng cao cũng làm cho các DN khó khăn hơn. Về chủ quan, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều là DN nhỏ và vừa, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh hạn chế, nên càng bị ảnh hưởng bởi tình hình nói trên.
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Sở Công Thương đã đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu trong quý II-2012: Phấn đấu giá trị KNXK quý II-2012 đạt khoảng 110 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, nhóm hàng nông sản ước thực hiện 23 triệu USD (tăng 4%); nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 10 triệu USD (tăng 16%); nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng ước thực hiện gần 13 triệu USD (tăng gần 49%); nhóm hàng công nghiệp chế biến ước thực hiện 8 triệu USD (tăng 10%), nhóm hàng lâm sản ước thực hiện gần 57 triệu USD… |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới chưa thật sự ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đồng thời, dù thị trường XK có xu hướng hồi phục dần, nhưng những rào cản kỹ thuật mới lại xuất hiện.
Ở trong nước, nền kinh tế dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, các cân đối vĩ mô chưa thật sự ổn định, trong khi sức cạnh tranh hàng hóa XK của các DN trên địa bàn tỉnh còn yếu; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đáp ứng yêu cầu…
Trước tình hình trên, nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, Sở Công Thương đã đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các DN; hỗ trợ tín dụng đầu tư; có chính sách hỗ trợ các DN, nhất là giảm lãi suất vay vốn để mua nguyên liệu; tăng cường đào tạo lao động trong các DN, tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý DN, lao động kỹ thuật) nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động... Đồng thời, nghiên cứu, khai thác thị trường, sản xuất, XK các sản phẩm có giá trị và hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất và đa dạng hóa các mặt hàng XK có thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng các biện pháp giảm chi phí nhằm giảm giá thành sản phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK, nhất là các mặt hàng XK có tỉ trọng KNXK lớn...
|