Như báo chí phản ánh, gần đây, tình trạng thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… tung hoành khắp nơi trên thị trường. Vấn đề này trở nên “nóng” vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng (NTD) cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng.
Chỉ vì lợi ích trước mắt, một bộ phận tổ chức, cá nhân đã bất chấp pháp luật, tìm cách qua mặt cơ quan chức năng và đánh lừa người tiêu dùng. Các đối tượng này sẵn sàng tuồn ra thị trường những loại thực phẩm như: thịt bò, thịt heo, thịt gà... đã ôi thiu, bốc mùi hôi thối. Việc vận chuyển, mua bán những mặt hàng tiêu dùng như hàng điện tử, nước uống, giày dép, quần áo... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng cũng trở nên phổ biến.
|
Người tiêu dùng đang chọn mua thực phẩm (ảnh chỉ có tính chất minh họa). |
Chẳng hạn, khoảng 15 giờ ngày 8.3.2012, Đội Quản lý thị trường cơ động (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Tuy Phước kiểm tra, phát hiện ôtô 57C-10452 và rơ-moóc 51R-01814 chở 1.008 kg thịt động vật đã bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số thịt này không có hóa đơn, chứng từ và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện trên xe chở 176 bộ điều hòa hiệu Panasonic do Malaysia sản xuất, trị giá khoảng 1,7 tỉ đồng, không có chứng từ hợp pháp.
Cuối tháng 3.2012, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Tuy Phước kiểm tra, phát hiện hai trường hợp vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn là ôtô tải 75K-1835 chở 480 kg keo dán Suc - Bond 3300H, 180 kg keo Suc - Bond 405H không có nhãn phụ; 850 kg đế giày nhựa PU không có nhãn hàng hóa, xuất xứ; 150 áo thun New fashion, 250 áo thun A.Jiamei không xuất xứ, không hóa đơn chứng từ; 125 tấm Panel cốp pha phủ phim nâu không có nhãn gốc và 44 thùng gạch ốp lát các loại có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ.
Trước thực trạng trên, NTD rất cần sự can thiệp kịp thời của cơ quan có chức năng để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD là một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động của Hội chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Để công tác bảo vệ quyền lợi NTD phát huy hiệu quả hơn nữa, các cấp, ngành cần có giải pháp củng cố tổ chức, tạo cơ chế để Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phát huy vai trò, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, thông báo rộng rãi để NTD tìm đến Hội mỗi khi quyền lợi bị xâm hại để được bảo vệ, giúp đỡ.
|