Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững - kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” do Cơ quan Phát triển quốc tế New Zealand tài trợ, đang được triển khai ở tỉnh ta, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập từ cây trồng, vật nuôi, tạo đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa…
|
Nông dân thôn Luật Chánh sơ chế, đóng gói rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho người tiêu dùng. Ảnh: T.S
|
Gần gũi, thiết thực
Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững - kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” được Cơ quan Phát triển quốc tế (CQPTQT) New Zealand và UBND tỉnh ký kết vào ngày 31.7.2009. Dự án có 4 hợp phần được thực hiện tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh.
Hợp phần 1 là xây dựng mô hình rau an toàn được cấp giấy chứng nhận tại huyện Tây Sơn và Tuy Phước, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho hộ nông dân nghèo, bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng; bảo vệ môi trường sinh thái. Hợp phần 2, phát triển các cơ hội theo định hướng thị trường cho những hộ nghèo trồng dừa ở Phù Mỹ và Hoài Nhơn, nhằm tăng thu nhập từ các sản phẩm của cây dừa. Hợp phần 3, xây dựng và thể hiện khả năng tăng lợi nhuận của các hệ thống chăn nuôi gia súc lớn và nhỏ, liên kết các hộ chăn nuôi với thị trường một cách hiệu quả tại các huyện An Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, với 2 đối tượng chính là bò thịt và thỏ. Hợp phần 4, cung cấp các dịch vụ quản lý dự án và giám sát, đánh giá hiệu quả, hỗ trợ lồng ghép các hoạt động của dự án.
Tổng kinh phí thực hiện dự án này là 2,138 triệu USD. Trong đó có 1,737 triệu USD là kinh phí viện trợ không hoàn lại của CQPTQT New Zealand, còn lại là kinh phí đối ứng của tỉnh. Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong 4 năm (2009 - 2013) do UBND tỉnh và CQPTQT New Zealand cùng điều hành, Sở NN-PTNT tỉnh là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, song thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh do thị trường đầu ra không ổn định, bà con thường phải “chạy” theo thị trường nên rất dễ lâm vào cảnh được mùa mất giá, mất mùa được giá. Dự án được triển khai tập trung vào vấn đề hỗ trợ sinh kế bền vững cho nông dân, hỗ trợ nông dân kết nối với thị trường, sẽ giúp bà con an tâm phát triển sản xuất.
Kết nối nông dân với thị trường
Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh, các hoạt động của dự án cơ bản được thực hiện theo đúng kế hoạch và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với hợp phần rau an toàn được chứng nhận, tỉnh ta đã kiểm nghiệm đất và nguồn nước tại 2 vùng chuyên sản xuất rau ở huyện Tây Sơn và Tuy Phước với tổng diện tích 50 ha, thành lập 2 nhóm nông dân cùng sở thích tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) và thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (Tuy Phước); xây dựng hai nhà máy sơ chế rau tại hai địa phương nói trên, đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của nông dân đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đến nay, nông dân 2 địa phương nói trên đã tiêu thụ được trên 7,7 tấn rau ở thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cao hơn các loại rau cùng loại chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ 20-30%.
Đối với hợp phần tăng thu nhập từ cây dừa, tỉnh ta cũng đã hoàn thành báo cáo ngành dừa với sự tham gia của các tư vấn quốc gia, quốc tế; giúp 3 doanh nghiệp và cơ sở chế biến xơ dừa, dầu dừa tinh khiết xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trong năm 2012, tỉnh ta bố trí gần 200 triệu đồng thông qua chương trình khuyến công để hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất dừa.
Hợp phần các hệ thống chăn nuôi có lãi cũng đã được triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể: thành lập 6 nhóm chăn nuôi cùng sở thích nuôi bò thịt và nuôi thỏ; hỗ trợ bò giống và các trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò, thỏ vào thực tế. Kết quả là một số hộ đã có thu nhập khá từ hai loại vật nuôi nói trên.
Vừa qua, bà Kathryn Beckett, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, đã đến thăm và làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Dự án Sinh kế nông thôn bền vững. Theo đánh giá của UBND tỉnh, các hoạt động của dự án đã cơ bản thực hiện đúng kế hoạch. Cam kết trách nhiệm giữa CQPTQT New Zealand và UBND tỉnh đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Tổ chức bộ máy của dự án đã hình thành và hoạt động hiệu quả. Dự án sinh kế nông thôn bền vững đã góp phần cải thiện sinh kế của các hộ nông dân và nông dân nghèo thông qua việc tăng cường tính cạnh tranh của các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tăng cường năng lực cho ngành kinh doanh nông nghiệp để cải thiện các hoạt động phát triển nông thôn theo định hướng thị trường, nhằm mang lại lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường bền vững cho các hộ nông dân nghèo.
Bà Kathryn Beckett đã đánh giá cao sự nỗ lực của Ban quản lý dự án, chính quyền, nông dân thực hiện dự án và tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự quyết tâm của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, dự án “Sinh kế nông thôn bền vững - kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” ở tỉnh ta sẽ thành công như mong đợi.
|