Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện miễn thủy lợi phí (TLP) theo Nghị định 115 của Chính phủ, đã đem lại những hiệu quả tích cực cho nông dân, chính quyền địa phương và đơn vị khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) trên địa bàn tỉnh ta trong hoạt động sản xuất nông nghiệp (SXNN). Tuy nhiên, trong thực tế, Nghị định này cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần được sửa đổi, bổ sung.
Những hạn chế, bất cập
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chính sách miễn TLP, gánh nặng chi phí sản xuất của nông dân đã giảm rõ rệt (từ 5%-10%); tạo ra nguồn kinh phí ổn định để các địa phương, đơn vị KTCTTL chủ động đầu tư kinh phí, kịp thời duy tu, sửa chữa công trình bị hư hỏng, xuống cấp... Tuy nhiên, công tác quản lý, KTCTTL còn những hạn chế cần sớm được ngành chức năng tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết: Nghị định 115 ra đời cách đây hơn 3 năm. Trong khi giá cả thị trường luôn tăng và biến động thì mức cấp bù TLP của Nhà nước vẫn không thay đổi nên ảnh hưởng lớn đến việc cân đối thu chi của các tổ chức, đơn vị quản lý, KTCTTL.
|
Do khoản cấp bù TLP không đủ để chi trả tiền điện nên HTX NN Nhơn Hậu gặp rất nhiều khó khăn, không có kinh phí để duy tu, sửa chữa các trạm bơm điện.
Trong ảnh: Trạm Bơm điện Bắc Nhạn Tháp xuống cấp trầm trọng. |
Ngoài ra, việc lấy mức quy định của Nghị định 143 làm gốc tính toán, trên cơ sở đó tăng đều cho các vùng, miền, loại hình công trình để xác định mức thu quy định của Nghị định 115 là không phù hợp thực tế. Đặc biệt, việc công trình tưới bằng trọng lực (tự chảy) và công trình tưới bằng động lực (sử dụng máy bơm điện, dầu) được cấp bù mức TLP như nhau khiến rất nhiều đơn vị quản lý công trình tưới bằng động lực lao đao, thu không đủ bù chi.
Đồng quan điểm trên, ông Mai Đức Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Nhơn Hậu (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn), phân tích: Tất cả 8 trạm bơm mà HTX NN Nhơn Hậu đang quản lý, khai thác đều sử dụng động tác tưới bằng động lực để bơm nước. Theo quy định tại Nghị định 115, công trình tưới tiêu bằng động lực sẽ được cấp bù mức TLP là 939.000 đồng/ha/vụ; tưới tiêu bằng trọng lực được cấp bù mức 824.000 đồng/ha/vụ.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định: “Sau 3 năm thực hiện Nghị định 115, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định được Nhà nước cấp bù TLP với tổng số tiền trên 101 tỉ đồng để thực hiện tưới cho trên 162.490 ha. Nhìn chung, công ty đã sử dụng nguồn cấp bù vào việc đầu tư, duy tu, sửa chữa kênh mương phục vụ công tác tưới tiêu trong SXNN có hiệu quả”. |
Thế nhưng thực tế hiện nay, thực hiện theo Thông tư 36/2009 của Bộ Tài chính về TLP, Sở Tài chính chỉ cấp cho HTX NN Nhơn Hậu mức cấp bù TLP theo động tác tưới bằng trọng lực nên số tiền cấp bù bị chênh lệch là 115.000 đồng/ha/vụ. Do đó, hàng năm, số tiền cấp bù TLP mà HTX nhận bị giảm hơn 69 triệu đồng; trong 3 năm (2009, 2010, 2011), số tiền này giảm hơn 207 triệu đồng.
“Với mức cấp bù TLP bị chênh lệch như trên, cộng với việc giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 1.3.2011 nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi hàng năm đối với việc sử dụng điện để bơm nước tưới tiêu. Năm 2010, tổng số tiền cấp bù TLP chúng tôi được nhận là trên 497 triệu đồng nhưng phải chi trả tiền điện trên 450 triệu đồng (chiếm trên 90%-PV). Đặc biệt, năm 2011, tổng số tiền điện chúng tôi phải chi trả trên 652 triệu đồng trong khi đó tiền cấp bù TLP được nhận chỉ trên 467 triệu đồng, nghĩa là âm hơn 185 triệu đồng”, ông Anh cho biết thêm.
Cần sớm tháo gỡ
Nghị định 115 của Chính phủ là một chính sách kịp thời, giúp người nông dân, các HTX NN và đơn vị KTCTTL giảm bớt chi phí trong hoạt động SXNN. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả thiết thực hơn nữa, các bộ, ban, ngành Trung ương cần sớm nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, tồn tại.
Ông Mai Đức Anh kiến nghị: “Hiện nay, giá cả các loại nguyên, nhiên liệu và điện đều tăng nhiều lần so với 3 năm trước đây. Do đó, Nhà nước cần điều chỉnh tăng mức cấp bù TLP. Các đơn vị kinh tế tập thể, HTX NN thực hiện động tác tưới bằng động lực phải được hưởng mức cấp bù TLP cao hơn so với những HTX NN thực hiện động tác tưới bằng trọng lực”.
Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đề nghị cụ thể mức cấp bù đối với các đơn vị thực hiện những động tác tưới khác nhau. Trường hợp tưới tiêu bằng trọng lực, Nhà nước cần tăng mức cấp bù lên 1,5 lần (824.000x1,5=1.236.000 đồng/ha/vụ); tăng mức cấp bù lên 2 lần đối với các trường hợp tưới tiêu bằng động lực (939.000x2=1.878.000 đồng/ha/vụ).
Bên cạnh đó, hiện nay, Nghị định 115 mới chỉ cấp bù đối với công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Những trường hợp người dân tự đóng giếng để bơm nước tưới cho lúa, hoa màu chưa được hỗ trợ. Do đó, Nhà nước cũng cần xem xét cấp bù TLP cho những đối tượng này.
|