Theo các nhà khoa học, tỉnh ta là một trong những địa phương có nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) cao nhất, đặc biệt là khu vực TP Quy Nhơn. Hiện các tổ chức khoa học đã và đang khảo sát, nghiên cứu, giúp TP Quy Nhơn thích ứng với BĐKH.
|
Cơn lũ lịch sử năm 2009 đã cuốn phăng cả đoạn nền đường ray tàu lửa ở Nhơn Phú.
|
Ông Đinh Văn Tiên - Phó Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh (CCCO Bình Định), cho biết: Khảo sát, đánh giá của các nhà khoa học cho thấy, các xã, phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Nhơn Hải của TP Quy Nhơn có nhiều nguy cơ phải chịu tác động của BĐKH nhất. Thời gian qua, các nhà khoa học, chuyên gia của CCCO Bình Định đã phối hợp với Tổ chức Thách thức với thay đổi (CtC) triển khai Chương trình quản lý rủi ro, thảm họa dựa vào cộng đồng nhằm đánh giá hiểm họa, khả năng và tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH; lập kế hoạch thích ứng với BĐKH tại phường Nhơn Phú và xã Nhơn Hải.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phúc Hòa, chuyên gia thuộc CtC: Nhơn Hải là xã bãi ngang nên thường phải đối diện với nhiều hiểm họa thiên tai, nhất là gió bão, triều cường, mưa lụt cục bộ và thiếu nước trong mùa khô hạn. Trên 50% số tàu thuyền ở đây thuộc loại đơn sơ, ở nơi trú bão (vịnh Mai Hương) tàu thuyền dễ va chạm, luồng lạch bị cát lấp cạn, lại có nhiều mỏm đá. Nhà ở của người dân thiếu an toàn, có khoảng gần 120 hộ cần phải di dời đến khu tái định cư…
Phường Nhơn Phú cũng tiềm ẩn không ít hiểm họa thiên tai, nhất là ngập lụt vì mưa bão, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, nắng nóng. Nhơn Phú được đánh giá là thiếu an toàn khi thiên tai, bão lũ, như: Nước lũ đổ về bất ngờ, dâng nhanh, chảy siết, ngập sâu; thiếu thông tin cảnh báo sớm về lũ; thiếu phương tiện cứu nạn tại chỗ; thiếu hệ thống thoát lũ… Điều đáng lo ngại là do tốc độ đô thị hóa, việc nâng cấp đường giao thông và nhiều công trình xây dựng (cụm công nghiệp, trường học) trên địa bàn nên dòng chảy bị hẹp lại, đường thoát lũ bị cản trở. Đợt lũ lịch sử xảy ra vào năm 2009 tại Nhơn Phú có thể coi là “bài học nhớ đời”…
Trên cơ sở kết quả điều tra, nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà quản lý địa phương đã thống nhất đề xuất kế hoạch thích ứng với BĐKH của Quy Nhơn, trước mắt tập trung cho Nhơn Phú và Nhơn Hải.
Đối với Nhơn Phú, các nhà khoa học đã đề xuất 3 nội dung trọng tâm, gồm nâng cấp đường giao thông; xây dựng đê kè bằng đất; sinh kế; bảo vệ môi trường, vệ sinh, dịch bệnh. Cần nâng cấp, bê tông hóa đoạn đường từ cổng khu văn hóa khu vực (KV) 3 đến đường sắt KV 4 (dài 1 km, rộng 3 m, cao 0,4 m). Nâng mặt đê, bê tông áp mái đoạn đê từ khu biệt thự nhà vườn KV 7 đến giáp đê KV 8 (dài 1,5 km, rộng 3 m, cao 0,7 m). Nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát lũ ở các KV 1, 2, 3, 4, 5 và 8. Mở rộng cầu đường sắt (gần cầu Đôi) để thoát lũ cho các KV 6, 7 và 8. Tái định cư 24 hộ ở vùng nguy cơ cao về mùa lũ. Trong giai đoạn 2012-2015, sẽ tiến hành xây dựng bể lọc nước tại 700 hộ gia đình trên địa bàn (mỗi năm 250 hộ)…
Đối với Nhơn Hải, gồm: Kế hoạch giải quyết thiệt hại về nhà ở; giảm thiệt hại về tàu thuyền đánh cá; nâng cấp đường giao thông, cống thoát lũ và kè chắn sóng; xây dựng mô hình ươm nuôi tôm hùm giống và thương phẩm; giải quyết vấn đề nước sinh hoạt và cháy rừng… Trong giai đoạn 2012-2015, xây 3 nhà đa năng tránh bão, triều cường kết hợp nhà văn hóa thôn cho các thôn: Hải Đông, Hải Nam và Hải Bắc; giai đoạn 2013-2015, di dời khoảng 118 hộ dân vùng nguy cơ đến khu tái định cư; trang bị phương tiện cứu hộ cứu nạn cho Ban phòng chống lụt bão xã; khôi phục và làm mới hệ thống cấp nước sạch trong phạm vi toàn xã; xây dựng và nâng cấp gia cố 1.400 m bờ kè chắn sóng…
|