Kể từ hôm nay 11-4, trần lãi suất huy động VND sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm còn 12%/năm. NHNN cũng quyết định giảm các mức lãi suất điều hành xuống 1% so với hiện nay.
Thông tin từ NHNN cho biết, trên cơ sở điều kiện thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô, ngày 10-4, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 08 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi 1 tháng trở lên là 12,5%/năm. Các mức lãi suất này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11-4-2012. Đối với lãi suất tiền gửi bằng VND có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước thời điểm này sẽ được thực hiện cho đến hết thời hạn.
Thống đốc NHNN cũng giao cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vi phạm.
Theo Quyết định số 693 của Thống đốc NHNN, kể từ ngày 11-4, một số lãi suất điều hành của NHNN cũng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 12%/năm xuống 11%/năm.
Cũng trong ngày 10-4, NHNN đã có văn bản số 2056 chỉ đạo một số giải pháp về hoạt động tín dụng. Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
NHNN cũng yêu cầu kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích, không vượt quá 16% tổng dư nợ nhưng đồng thời cũng cho phép nới lỏng cho vay với một số nhóm ở các lĩnh vực này.
Cụ thể, đối với dư nợ cho vay chứng khoán, sẽ loại trừ “dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần” ra khỏi nhóm không khuyến khích. Đối với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản, sẽ loại trừ dư nợ cho vay đối với “nhu cầu vốn xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay; xây dựng, sửa chữa, và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị – bao gồm cả các công trình hoàn thành trong năm 2012 và sau năm 2012” ra khỏi nhóm không khuyến khích.
Đối với cho vay tiêu dùng, sẽ loại trừ dư nợ cho vay đối với “nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; mua phương tiện đi lại; mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập và chữa bệnh trong nước” ra khỏi nhóm không khuyến khích.
Để tháo gỡ khó khăn, NHNN chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, tồn kho hàng hóa.
Thực hiện chủ trương của NHNN về giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh, Eximbank sẽ dành 6.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 16,5%/năm để hỗ trợ vốn cho các DN xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cũng như hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp. |
. Theo SGGP, TTO, VnE |