Phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Thị Nại:
Vì “lá phổi xanh” cho Quy Nhơn
20:54', 12/4/ 2012 (GMT+7)

Thêm một dự án phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn (HST RNM) đầm Thị Nại vừa được UBND tỉnh quyết định triển khai thực hiện. HST RNM đầm Thị Nại được phục hồi sẽ tăng cường “lá phổi xanh” cho TP Quy Nhơn, giúp người dân nghèo ven đầm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH)…

Cùng chung tay phục hồi rừng ngập mặn đầm Thị Nại.  

- Trong ảnh: Trồng rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại. 

 

Cảnh báo sự hủy hoại HST RNM

HST RNM có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chống lại tình trạng nước biển dâng, bảo vệ nhà cửa, cơ sở hạ tầng, giúp tăng cường sinh kế cho người dân nghèo dễ bị tổn thương với các thiệt hại do bão lũ gây ra…

Theo ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu sinh thái Cồn Chim, đầm Thị Nại với diện tích 5.060 ha, bãi triều rộng, HST trong đầm khá phong phú và đa dạng. Trước đây, đầm có đến 1.000 ha RNM và 200 ha thảm cỏ biển, bảo đảm duy trì sự ổn định về môi trường ở khu vực đầm. Đầm Thị Nại từng là nơi sinh sống của 119 loài cá, 14 loài tôm và hàng chục loài thủy hải sản có giá trị khác. Vì vậy, từ bao đời nay, đầm Thị Nại là “nguồn sống”, cung cấp một nguồn lợi thủy sản phong phú cho hàng vạn cư dân ven đầm; đồng thời còn là “lá phổi xanh” của TP Quy Nhơn…

Tuy nhiên, thời gian qua, HST RNM đầm Thị Nại đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi bàn tay con người. Từ việc phá rừng để nuôi tôm, khai thác thủy sản trái phép bằng xung điện, xiếc máy và những phương pháp hủy diệt nguồn lợi thủy sản, gây tổn hại đến đa dạng sinh học của vùng đầm. Hầu như toàn bộ diện tích RNM ở đây đã bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng. Sự quá tải sinh học làm môi trường nước trong đầm ngày càng ô nhiễm. Đồng thời, so với 10 năm trước, số lượng tàu thuyền khai thác trong đầm đã tăng từ 25-30%...

Phó giáo sư-tiến sĩ (PGS-TS) Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải Dương học Nha Trang, cho biết: Theo nghiên cứu, hiện nay, năng suất khai thác tự nhiên ở đầm Thị Nại đã giảm sút nghiêm trọng: Nhuyễn thể giảm 67%; tôm giảm trên 65%; cá giảm 47%; ghẹ- cua giảm 25%… so với cách đây 10 năm. Bên cạnh đó, nhiều khu RNM ở ven đầm đã dần biến mất. Hiện tại, diện tích quy hoạch trồng RNM tại đầm Thị Nại có gần 170 ha; trong đó huyện Tuy Phước chiếm gần 150 ha, TP Quy Nhơn 20 ha. Diện tích RNM đã trồng là 13 ha, trong đó TP Quy Nhơn chiếm 10 ha, còn huyện Tuy Phước chỉ có 3 ha.

Vì “lá phổi xanh” cho Quy Nhơn

Trước thực trạng HST RNM đầm Thị Nại ngày càng bị tàn phá, thu hẹp, UBND tỉnh đã quyết định triển khai thực hiện Dự án “Dịch vụ HST tạo khả năng chống chịu với BĐKH ở TP Quy Nhơn”, do UBND tỉnh làm chủ đầu tư và Viện Nghiên cứu biến đổi xã hội và môi trường làm điều phối cấp quốc gia. Đơn vị trực tiếp thực hiện dự án là Văn phòng Điều phối BĐKH tỉnh và các đối tác: Viện Hải dương học Nha Trang, BQL Khu sinh thái Cồn Chim, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế; Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và phát triển nông thôn. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2015.

Mục đích chính của dự án là thông qua việc phục hồi HST RNM đầm Thị Nại để từng bước giảm tính dễ bị tổn thương vì BĐKH của dân nghèo sinh sống ở khu vực ven TP  Quy Nhơn. Mục tiêu của dự án là: Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và các nhà quản lý về tầm quan trọng của RNM; lưu trữ carbon thông qua việc phục hồi RNM và ổn định trầm tích hữu cơ; góp phần vào việc phát triển đô thị một cách bền vững về sinh thái… Dự án sẽ góp phần cải thiện HST RNM; phục hồi 75 ha RNM cùng các loài động, thực vật phù hợp với điều kiện địa phương; bảo vệ 3 km đường bờ đầm Thị Nại và 14.000 hộ dân sinh sống ở sau RNM…

Theo PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình quản lý, bảo vệ HST RNM của Khu Bảo tồn sinh quyển Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh, Dự án sẽ xây dựng năng lực về tổ chức, quản lý và bảo vệ RNM cho các cơ quan liên quan… Đồng thời chuẩn bị cây giống; tập huấn cho cộng đồng về xây dựng vườn ươm, sản xuất cây giống và hỗ trợ cộng đồng thiết lập các vườn ươm để phát triển nguồn cây giống… Trong quý II và III-2012, sẽ tiến hành trồng RNM ở địa bàn 2 xã Phước Sơn và Phước Thuận (Tuy Phước) với khoảng 20 ha; tổ chức tập huấn cho người dân địa phương về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM. Trong quý II-2013, sẽ tiến hành trồng RNM tại một số địa điểm thuộc phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn)…

Về mặt kỹ thuật, theo PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, tiêu chí đề ra là phải chọn cây giống có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện nước mặn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và phải có bộ rễ phát triển nhanh, là cây bần trắng và cây mắm trắng. Về phương thức quản lý, sẽ giao khoán cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình… Sẽ thành lập tổ quản lý bảo vệ RNM, đồng thời ký kết quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ RNM; xây dựng quy ước bảo vệ RNM và lồng ghép các mô hình sinh kế…

Sau thời gian triển khai trồng rừng và các hạng mục khác, trong tháng 6.2014, các cơ quan thực hiện dự án sẽ thực hiện việc tham vấn địa phương nhằm đánh giá sự thay đổi về nguồn lợi sinh vật, nguồn giống thủy sinh, lắng đọng trầm tích, chất lượng môi trường… nhằm đánh giá về lợi ích của việc phục hồi RNM và quản lý HST đầm Thị Nại. Khi kết thúc dự án (tháng 12.2015), sẽ tiến hành hội thảo lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng…

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỗ trợ gần 50 tỉ đồng cho 1.320 tàu cá khai thác xa bờ  (12/04/2012)
Cấp miễn phí phần mềm tự in hóa đơn cho doanh nghiệp  (12/04/2012)
Từ gà Đức tới rau Việt Nam  (12/04/2012)
Đủ nguồn, chất lượng đảm bảo  (11/04/2012)
Sẽ giải quyết dứt điểm các kiến nghị của DN liên quan đến tỉnh  (11/04/2012)
Rừng phòng hộ đầu nguồn bị xâm hại  (11/04/2012)
18 tỉ đồng xây dựng Bến xe An Nhơn   (11/04/2012)
Khởi công tuyến đường ngã ba Long Vân đi ngã tư Long Mỹ  (11/04/2012)
Ngân hàng nới vốn cho vay mua nhà, xe  (11/04/2012)
Từ hôm nay 11-4, trần lãi suất huy động VND giảm xuống 12%/năm  (11/04/2012)
Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ  (10/04/2012)
Để TP Quy Nhơn thích ứng với biến đổi khí hậu  (10/04/2012)
Đã có 86 doanh nghiệp khai thuế điện tử  (10/04/2012)
Prudential Việt Nam chi trả 430 tỷ đồng bảo tức đặc biệt cho 104.000 khách hàng  (10/04/2012)
Bắt đầu thu phí ATM nội mạng  (10/04/2012)