Nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm nuôi
22:9', 15/4/ 2012 (GMT+7)

Trước tình hình nhiều diện tích tôm nuôi ở huyện Tuy Phước bị dịch bệnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan. P.V Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, quanh vấn đề này.

Một chủ hồ nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, sử dụng thuốc để xử lý ao nuôi tôm đã nhiễm bệnh.

* Bà có thể cho biết về tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn huyện Tuy Phước hiện nay?

- Tính đến ngày 10.4, nông dân các xã: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận của huyện Tuy Phước đã đưa vào sử dụng 967 ha mặt nước nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hầu hết các hộ nuôi tôm đã tuân thủ tốt lịch thời vụ nuôi tôm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua làm cho nhiệt độ không khí giảm đột ngột, sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm; từ ngày 14.3, các vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Tuy Phước đã phát sinh dịch bệnh.

Từ ngày 30.3-2.4, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn huyện Tuy Phước có mưa vừa đến mưa to, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe của tôm nuôi, dịch bệnh tôm tiếp tục gia tăng tại 4 xã nói trên. Đến nay, toàn huyện có trên 63 ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó 21,25 ha bị bệnh đốm trắng và trên 42 ha bị bệnh môi trường. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan ra diện rộng là rất cao.

* Nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, tôm chết là do bà con mua phải nguồn tôm giống bị nhiễm bệnh. Ngành Nông nghiệp đã tiếp nhận và xử lý thông tin này như thế nào?

- Trong hai ngày 14 và 15.3, 26 hộ dân ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (mua tôm giống từ Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3) phát hiện tôm mới thả nuôi đã bị chết. Người dân cho rằng tôm nuôi bị chết là do mua phải nguồn tôm giống bị nhiễm bệnh và đã báo cáo vấn đề này cho chính quyền địa phương cùng ngành Nông nghiệp huyện và tỉnh. Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đã lập tổ công tác phối hợp với  UBND huyện Tuy Phước tiến hành kiểm tra thực trạng môi trường, lấy mẫu tôm chết xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, môi trường nước biến động, tôm âm tính với vi-rút đốm trắng nhưng vi khuẩn trong môi trường nước và trong gan của tôm cao. Kết quả các mẫu xét nghiệm được Chi cục Thú y tỉnh gửi cơ quan Thú y vùng 4 tại Đà Nẵng và Chi cục Môi trường Khánh Hòa cũng tương tự.

Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, giám sát nguồn tôm giống bố mẹ của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3 được thực hiện rất nghiêm ngặt; trước khi Công ty xuất giống 4-5 ngày, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã kiểm tra tôm post của đơn vị này không bị nhiễm vi-rút đốm trắng. Mặt khác, đến ngày 28.3, nhiều ao nuôi tôm của các hộ dân khác ở thôn Đông Điền và nhiều hộ nuôi tôm ở các xã khác lấy tôm giống của một số công ty khác cũng bị chết. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện môi trường nước và tôm nuôi đều có vi-rút đốm trắng. Điều đó chứng tỏ, vi-rút đốm trắng đã tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển gây hại tôm nuôi. Chúng tôi đã làm việc với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3 và Công ty này đã đồng ý hỗ trợ cho 26 hộ dân ở thôn Đông Điền với mức 50% trên tổng số tôm giống mua từ trại tôm giống của Công ty.

* Dịch bệnh tôm nuôi tại huyện Tuy Phước đang diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp đã làm gì để khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thưa bà?

- Thời gian qua, bên cạnh việc kiểm tra, xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh tôm, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các xã Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận hỗ trợ người nuôi tôm khoanh vùng, khống chế và xử lý dịch bệnh. Đến nay, đã xử lý nhiều diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đốm trắng và nhiều ao nuôi tôm bị dịch bệnh môi trường. Theo nhận định của chúng tôi, thời gian tới, tình hình dịch bệnh tôm nuôi tại huyện Tuy Phước sẽ diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sau cơn bão số 1, thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho các chỉ số môi trường nước ao nuôi biến động, gây sốc tôm làm cho tôm dễ bị nhiễm bệnh, nguy cơ dịch bệnh tăng cao.

Những ao nuôi bị bệnh môi trường, tôm nuôi ít ăn và chưa  hồi phục nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng của người nuôi tôm còn thấp nên công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Một số ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng, nhưng một số hộ dân không chấp hành xử lý; nước từ ao có mầm bệnh rò rỉ ra môi trường và hoạt động săn mồi của các loại chim, cò, cua, rạm trong vùng là nguyên nhân phát tán mầm bệnh ra diện rộng.

Để khống chế và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh trên diện rộng, chúng tôi đã đẩy mạnh phổ biến tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng chống dịch bệnh để người nuôi tôm áp dụng. Đối với các ao nuôi sau khi có kết quả xét nghiệm là âm tính với bệnh đốm trắng, chúng tôi thông báo kết quả cho chủ ao và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tác động để ổn định môi trường và tăng sức đề kháng cho tôm. Với các ao nuôi tôm bị dịch bệnh đốm trắng, chúng tôi yêu cầu người nuôi tôm đóng cống không xả nước ra ngoài môi trường chung, tận thu sản phẩm và xử lý thuốc Chorine 30 ppm, sau 14 ngày mới được tháo xả nước. Vùng nuôi tôm tập trung đang xảy ra dịch bệnh cũng phải đóng cống 15 ngày nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan…

* Xin cảm ơn bà!

  • PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện) 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Còn 61 đơn vị được phép kinh doanh bán lẻ điện ở nông thôn  (15/04/2012)
Hơn 2,9 triệu USD xây dựng 6 tuyến đường  (15/04/2012)
'Khoảng 20% doanh nghiệp thủy sản sẽ đóng cửa'  (15/04/2012)
Mở cửa các lĩnh vực kinh doanh độc quyền  (15/04/2012)
Thành lập Hiệp hội Vận tải ô tô Bình Định  (14/04/2012)
Thị trường giảm điểm, cổ phiếu bất động sản bớt “nóng”  (13/04/2012)
Giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo  (13/04/2012)
Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp  (13/04/2012)
Đầu tư 3 tỉ đồng nâng cấp 450 m đê Nhơn Bình (TP Quy Nhơn)  (13/04/2012)
Huy động trên 202 tỉ đồng thực hiện Chương trình cấp nước sinh hoạt và VSMT nông thôn năm 2012  (13/04/2012)
Phê duyệt Quy hoạch công trình Khu kho bãi tập trung Nhơn Tân  (13/04/2012)
Sắp có tem điện tử giúp phân biệt hàng thật, giả  (13/04/2012)
Kê khai thuế điện tử - kết quả bước đầu  (13/04/2012)
Được công nhận làng nghề truyền thống se dây dừa  (12/04/2012)
Vì “lá phổi xanh” cho Quy Nhơn  (12/04/2012)