Trong suốt 11 tháng qua, đây là lần đầu tiên HNX-Index bứt phá được lên mốc 80 điểm, thị trường tăng mạnh cả về điểm số và khối lượng giao dịch. Cổ phiếu bất động sản, tài chính và ngân hàng được nhà đầu tư chọn giải ngân mạnh.
Trong phiên đầu tuần nhịp giao dịch có phần chậm lại khi Vn-Index đóng cửa đợt 1 tăng thêm 2,54 điểm, khối lượng chuyển nhượng chỉ bằng một nửa so với 2 phiên trước, đạt trên 3,6 triệu cổ phiếu. STB giảm sàn, CTG, EIB, MBB giao dịch quanh giá tham chiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn TP Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất VCB tăng nhẹ.
Bước sang đợt 2, Vn-Index giảm đà tăng, có lúc xuống dưới 465 điểm. BVH giảm 500 đồng, REE, SJS mất 200 đồng, MSN, VNM đứng giá, VIC tăng nhẹ. SAM dẫn đầu nhóm cổ phiếu penny khi tăng trần phiên thứ 6 liên tiếp, dư mua trần 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu khoáng sản đồng loạt tăng trần như BGM, KSH, KSS, KTB, dư mua trần vượt 200.000 đơn vị mỗi mã.
Nhóm cổ phiếu thuộc VN30 có số mã tăng gấp đôi số mã giảm, nhưng chỉ số này lại quay đầu giảm 1 điểm so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index giảm 0,24 điểm, phân hóa diễn ra mạnh trong nhóm cổ phiếu tài chính với ORS, SHS tăng nhẹ, VND, WSS đứng giá, PVI giảm sàn.
Càng về cuối phiên, cổ phiếu bất động sản càng bật tăng mạnh trên cả 2 sàn. Trong gần 30 mã địa ốc trên sàn TP HCM, chỉ có 2 mã giảm giá là NBB và PDR. ITA tăng 200 đồng, dư bán trần 1,67 triệu đơn vị, ITC, NVT, NTL tăng trần, không còn dư bán, dư mua cuối phiên tại mức giá cao nhất hơn 400.000 đơn vị.
13 mã bất động sản trên sàn Hà Nội tăng điểm, trong đó, PVL, PXA, SCR, STL tăng trần, không còn dư bán. Cuối phiên, WSS, SHS, ORS, TAS tăng trần, dẫn đầu mức tăng điểm trong nhóm cổ phiếu tài chính.
Vn-Index đóng cửa giao dịch tại 468,26 điểm, giao dịch gần 90 triệu cổ phiếu, tương đương 1.356 tỉ đồng. HNX-Index tăng 2 điểm lên 80,37 điểm, vượt đỉnh tháng 9.2011, lên cao nhất trong 11 tháng; giao dịch 91,3 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1.000 tỉ đồng.
Như vậy là thị trường đang có những diễn biến tích cực hơn khi thanh khoản 3 phiên trở lại đây luôn duy trì ở mức trên 2.000 tỉ đồng, dòng tiền đều và tâm lý nhà đầu tư lạc quan đã khiến bên mua chấp nhận “đua” giá trần. Dòng tiền dịch chuyển từ cổ phiếu ngân hàng, sang cổ phiếu chứng khoán, rồi đến bất động sản và khoáng sản bắt đầu khởi động cuộc đua của các nhà đầu tư.
Theo phân tích của các chuyên gia , thị trường trở nên lạc quan khi lãi suất huy động bắt đầu giảm xuống 12%/năm và chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn khi vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp có lãi nhưng giá cổ phiếu vẫn dưới mệnh giá. Hơn nữa, lạm phát tháng 4 theo dự đoán của các chuyên gia phân tích, mặc dù đã tính giá xăng tăng song CPI tháng 4 dự đoán dưới 0,5%.
|