Nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, nước thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa qua xử lý đã thải ra môi trường là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sinh thái và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Để khắc phục tình trạng trên, cần có sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền các cấp và ngành ngành chức năng thông qua những việc làm cụ thể…
|
Nhiều hộ nuôi tôm trên cát ở xã Mỹ An (Phù Mỹ) xả nước thải từ ao nuôi trực tiếp ra môi trường đã để lại nhiều hệ lụy xấu. |
Theo đánh giá của Sở TN-MT, chất lượng môi trường tại một số khu vực lại đang có chiều hướng giảm dần. Đáng chú ý là tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại các địa phương còn thấp, chất thải chưa được xử lý đảm bảo, các bãi chôn lấp trên địa bàn tỉnh không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn công nghiệp vẫn còn thu gom chung với chất thải sinh hoạt để đưa đến các bãi chôn lấp (do tỉnh ta chưa có cơ sở xử lý chất thải công nghiệp), nên nguyên tắc 3R: giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn hầu như chưa được áp dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên từ rác thải. Về nước thải, đáng quan tâm hiện nay là nước thải công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt tại các đô thị và nước thải chăn nuôi là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 14 cụm công nghiệp và các làng nghề có hệ thống xử lý chất thải tập trung. Ngoài ra còn có khoảng 14 ngàn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và rất nhiều hộ đầu tư nuôi tôm trên cát, nhưng hầu hết nước thải từ ngành nghề chăn nuôi nói trên chưa được xử lý cũng đều thải ra môi trường. Ở khu vực nông thôn, người dân vứt bỏ rác, xác động vật hai bên đường, ao hồ, sông, suối bốc mùi hôi thối vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người vừa gây ô nhiễm đến môi trường.
|
Môi trường ở khu vực có hoạt động khai thác titan cũng đang bị ô nhiễm |
Các loại chất thải, nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; nước thải nông nghiệp… chưa qua xử lý đã thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Kết quả kiểm tra của ngành TN-MT tỉnh cho thấy, khu vực hạ lưu các con sông và đầm hồ trong tỉnh đã thể hiện rõ nhất sự ô nhiễm. Trong đó, đối với các thủy vực sông, nồng độ chỉ tiêu hữu cơ BOD5 vượt tiêu chuẩn từ 1,4 - 3,4 lần; đối với các đầm, hồ chỉ tiêu hữu cơ vượt từ 2- 4 lần, các chỉ tiêu kim loại cũng vượt chuẩn cho phép. Nguồn nước ngầm ô nhiễm chủ yếu về hữu cơ và vi sinh, nhất là tại các khu dân cư tập trung, bãi rác và các làng nghề chế biến tinh bột mì, làng nghề làm bún tươi…. Các chỉ tiêu hữu cơ COD, NH4+, chỉ tiêu về dầu mỡ, kim loại nặng trong nước biển cũng vượt tiêu chuẩn. Môi trường ở khu vực có các hoạt động khai thác khoảng sản như: vàng, đá xây dựng, titan cũng đã bị suy thoái. Ô nhiễm môi trường đã và đang tác động xấu đến hệ sinh thái và sức khoẻ con người. Rõ ràng đây là thực trạng đáng lo ngại.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, song việc đầu tư cho lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, nhiều dự án, công trình trọng yếu về bảo vệ môi trường, như: thu gom rác thải tại các huyện; xây dựng bãi chôn lấp vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, làng nghề, hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị... chưa được đầu tư. Vậy, giải pháp nào để bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở tỉnh ta. Theo chúng tôi, thời gian tới, trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ta cần phải tiếp tục tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kiểm soát việc sử dụng và quản lý bao bì thuốc BVTV của bà con nông dân; đồng thời hướng dẫn nông dân đầu tư sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phun thuốc BVTV nhằm bảo vệ cây trồng theo nguyên tắc 4 đúng. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống xử lý chất thải các cơ sở chăn nuôi, xây dựng các mô hình quản lý, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc khai nước ngầm, xử lý chất thải của các cơ sở nuôi tôm trên cát.
|
Cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Các em học sinh trường THCS Cát Tiến, xã Cát Tiến (Phù Cát) tham gia hội thi truyền thông về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. |
Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ta nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng tính canh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm. Thu hút đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường. Phát triển công nghiệp khoáng sản trên cơ sở quy hoạch được duyệt, quản lý chặt chẽ và khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản theo hướng khai thác và chế biến sâu khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Đối vời việc quản lý chất thải, tỉnh ta tiếp tục phổ biến và tăng cường áp dụng việc quản lý chất thải theo nguyên tắc 3 R: giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; đồng thời cải tạo, nâng cấp nhà máy chế biến vi sinh từ rác thải tại Long Mỹ; nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, trước hết cho TP Quy Nhơn. Thu hút và bô trí các nguồn kinh phí để xây dựng bãi chôn lấp rác cho các huyện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy tái chế chất thải bột đá của ngành chế biến đá granite và đầu tư lắp đặt mới các lò đốt chuyên dụng xử lý chất thải rắn y tế; xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp. Mặt khác, đầu tư xây dựng lò hoả táng cho khu vực TP Quy Nhơn và tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường….
|