|
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa lai tại huyện Tuy Phước. |
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã sưu tầm, sản xuất khảo nghiệm, tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới năng suất cao, chất lượng gạo tốt, góp phần tăng hiệu quả sản xuất…
Trong sản xuất nông nghiệp, giống là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành năng suất và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đã có nhiều giống lúa bị thoái hóa, bị nhiễm rầy… tỉnh đã khuyến cáo nông dân không sử dụng. Do vậy, cần phải tuyển chọn các loại giống lúa mới bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về giống cho nông dân sản xuất. Hơn nữa, trong tình hình diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; sản xuất luôn bị tác động xấu của thiên tai, lũ lụt, thì việc nghiên cứu, khảo nghiệm và chọn lọc các giống lúa mới phù hợp càng quan trọng và cấp thiết hơn.
Từ năm 2000, Sở NN-PTNT đã cử cán bộ kỹ thuật học tập về kỹ thuật sản xuất giống lúa lai, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số diện tích với các giống Bồi tạp sơn thanh, Bắc ưu, Nhị ưu, Trang nông… năng suất đạt từ 60-65 tạ/ha/vụ, có mô hình đạt 70 tạ/ha/vụ. Những năm sau đó, việc sản xuất khảo nghiệm các loại giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo tốt được thực hiện nhiều hơn. Đến nay, nhiều loại giống lúa lai như: BTE1, BiO4, Nhị ưu 838, TH3-3, Syn6, PHB71, CT16, Nam ưu 605 đã được lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh và được nông dân sản xuất đại trà, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau nhiều năm sản xuất khảo nghiệm thành công, các giống lúa thuần: VTNA1, ĐB6, ĐB6, SH2, TBR 45, TBR 36 cũng đã được đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, thay thế những loại giống lúa bị nhiễm rầy và trở thành giống lúa chủ lực. Ở những vùng khó khăn về nước tưới, vùng đất chua phèn, nhiễm mặn, vùng khó khăn về lương thực cũng đã xác định được nhiều bộ giống lúa ngắn và trung ngày có triển vọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn đưa vào sản xuất. Tùy thuộc điều kiện thời tiết, đất đai, tập quán canh tác, thời gian sinh trưởng và phát triển của từng giống lúa để bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp. Ví dụ như đối với vụ Hè năm 2012, trên chân đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, sử dụng các giống lúa chủ lực trung và ngắn ngày, như ĐV 108, ĐV8, ML202, VTNA1. Vụ Thu tập trung sản xuất trên chân 2 vụ lúa, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai dài ngày có tiềm năng năng suất cao, như: ĐV108, ĐB6, VĐ8, SH2, Nhị ưu 838, BTE1, BIO 404, TH3-3, SYN6… nhằm đảm bảo sản lượng lương thực.
Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Nhờ làm tốt công tác giống, nên tỉnh ta đã chủ động nguồn giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu về giống cho nông dân sản xuất. Việc điều chỉnh lịch thời vụ, mật độ gieo sạ phù hợp với điều kiện thực tế thuận lợi hơn. Nhờ vậy, mặc dù những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng nhờ có bộ giống tốt, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên tỉnh ta vẫn được mùa. Riêng vụ Đông Xuân 2011-2012, năng suất lúa bình quân khoảng 63,5tạ/ha. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất khảo nghiệm, xây dựng quy trình sản xuất nhiều loại giống mới, để bổ sung vào cơ cấu giống, đáp ứng yêu cầu về giống cho sản xuất.
|