Năm 2012, tỉnh ta tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh, quanh vấn đề này.
|
Hội thi Rung chuông vàng truyền thông nước sạch tại Trường Tiểu học số 1 Phước Thắng - Tuy Phước. |
* Xin ông cho biết về hoạt động cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn tỉnh ta hiện nay?
- Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã xây dựng trên 119 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) và mở rộng hệ thống đường ống của nhiều CTCNTT đã xây dựng, đồng thời hỗ trợ người dân xây dựng 71.078 giếng khoan, 170.820 giếng đào và nhiều công trình cấp nước tự chảy tại khu vực nông thôn. Riêng năm 2011, tỉnh đã đầu tư 56,197 tỉ đồng xây dựng 10 công trình cấp nước lớn-nhỏ, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về các hoạt động cấp nước sinh hoạt và VSMTNT, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và sự cần thiết phải bảo vệ các công trình cấp nước và môi trường ở nông thôn.
Nhìn chung, các công trình nói trên đã và đang phát huy tác dụng, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 1.256.400 người dân với 320.666 hộ gia đình ở khu vực nông thôn, đạt 87,6%; số hộ gia đình ở nông thôn có hố xí hợp vệ sinh là 62,4%. Tỉ lệ trường học, trạm y tế có nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khá cao; tỉ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại vệ sinh đạt 75%, tỉ lệ làng nghề được xử lý chất thải đạt 15%...
* Nhưng thực tế, công tác quản lý các CTCNTT tại một số địa phương còn hạn chế, nhiều công trình chưa phát huy hết công suất thiết kế?
- Đúng vậy. Phần lớn các CTCNTT đều do các địa phương quản lý, khai thác, nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện tốt phần việc này. Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đều thành lập tổ trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ CTCNTT, nhưng các thành viên trong tổ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành công trình, công tác vệ sinh bể lọc nước tại cụm đầu mối CTCNTT chưa được quan tâm. Khâu xử lý, khử trùng nước để điều chỉnh, cân đối các thành phần vô cơ, vi sinh vật và tiêu diệt vi khuẩn trong nước là rất quan trọng, nhưng nhiều địa phương không thực hiện công đoạn này hoặc có thực hiện nhưng không đảm bảo yêu cầu.
Có nhiều công trình xuống cấp, nhưng chính quyền địa phương chưa sửa chữa, bổ sung vật liệu phụ, hóa chất… nên công trình không phát huy hết công suất thiết kế. Điều đáng lo ngại hơn là nhiều công trình cấp nước chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, nguồn nước cấp cho dân sử dụng không đảm bảo tiêu chuẩn như thời điểm công trình mới đưa vào sử dụng.
* UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình NS-VSMTNT năm 2012 và mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2013-2015. Ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?
- Tỉnh ta đề ra mục tiêu đến cuối năm 2012 có 89% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ hộ gia đình vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 65%; 58% nhà trẻ, mẫu giáo, 70% số trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; 76% chuồng trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh và 18% làng nghề ở nông thôn có chất thải được xử lý. Mục tiêu từ năm 2013-2015, có 95% dân cư nông thôn có nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng, trong đó có 65% người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 75% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh… Để đạt được mục tiêu nói trên quả thật không đơn giản.
* Vậy theo ông, tỉnh ta cần phải làm gì để đạt được mục tiêu?
- Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trước mắt trong năm 2012, tỉnh ta huy động 202,188 tỉ đồng, trong đó có 199,538 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn dân đóng góp, vốn từ các chương trình dự án khác) và 2,65 tỉ đồng vốn sự nghiệp để xây dựng mới các CTCNTT và mở rộng hệ thống đường ống các công trình đã xây dựng.
Về phía ngành Nông nghiệp, bên cạnh việc xây dựng các CTCNTT mới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương mở rộng mạng lưới cấp nước các công trình đã xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi để lắp đặt đường ống dẫn nước từ các cụm vòi chính của công trình về nhà; tiếp tục hỗ trợ thực hiện các công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng khoan, giếng đào, bể xử lý nước phèn… quy mô hộ gia đình hoặc đơn vị trường học, trạm y tế thuộc vùng nông thôn. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình cấp nước đã xây dựng.
Tuy vậy, để Chương trình NS-VSMTNT đạt hiệu quả, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng cần chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, vận hành CTCNTT ở khu vực nông thôn. Tổ chức rà soát và kiện toàn bộ máy quản lý, nhân lực… của các đơn vị quản lý, vận hành CTCNTT; thay thế các cá nhân, đơn vị không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với những công trình cấp nước do UBND các xã quản lý, vận hành không hiệu quả thì UBND các huyện cần chuyển đổi mô hình quản lý cho phù hợp. Đối với các công trình mà nguồn thu tiền nước không đủ bù chi phí cơ bản, chính quyền địa phương phải có phương án hỗ trợ kinh phí hàng năm từ ngân sách để duy trì hoạt động cấp nước cho người dân. Các đơn vị quản lý CTCNTT cũng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý, khai thác công trình, từng bước nâng cấp các công trình đã được đầu tư xây dựng với công nghệ xử lý hoàn chỉnh hơn. Tất cả các Trạm cấp nước tập trung ở các địa phương phải thực hiện nghiêm túc quy trình khử trùng nước trước khi cấp cho người dân sử dụng; định kỳ xét nghiệm, lưu giữ kết quả xét nghiệm mẫu nước để điều chỉnh chất lượng nước đảm bảo yêu cầu. Đối với các công trình nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, chính quyền cơ sở hướng dẫn người dân cải tạo, thau rửa, di dời chuồng trại chăn nuôi và các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước cách xa giếng nước. Mặt khác, vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hướng dẫn quy trình xử lý nước tại hộ gia đình bằng các biện pháp truyền thống đơn giản…
* Xin cảm ơn ông!
|