Ngày 7.5.2010, Chính phủ ban hành Nghị định 48/2010/NÐ-CP về hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng. Lần đầu tiên vấn đề này được quy định riêng tại một Nghị định. Tuy nhiên, thực tiễn khi triển khai thực hiện Nghị định 48/2010/NĐ-CP ở tỉnh ta đã phát sinh nhiều vướng mắc. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, về vấn đề này.
|
Thi công đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Nhơn An (thị xã An Nhơn). |
* Với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương, ông đánh giá như thế nào về Nghị định 48/2010/NÐ-CP?
- Nghị định 48/2010/NÐ-CP của Chính phủ ban hành đánh dấu một bước tiến dài về thiết lập nền tảng pháp lý cho lĩnh vực hợp đồng trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam, phù hợp với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế, được thể hiện qua các nội dung sau:
Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng. Hợp đồng xây dựng được ký kết sau khi bên giao thầu hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu theo quy định và các bên tham gia đã kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng. Với việc quy định cụ thể như vậy, đã khắc phục về cơ bản tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Nguyên tắc thực hiện hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, nhằm tránh việc lợi dụng ký kết hợp đồng của các bên tham gia làm tổn hại đến lợi ích chung. Mặt khác, tính pháp lý của hợp đồng cũng quy định khá chặt chẽ: “Các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, và các cơ quan khác có liên quan phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng”…
Ngoài ra, Nghị định 48/2010/NĐ-CP còn có nhiều điều, khoản quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn so với các văn bản trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ký kết hợp đồng xây dựng giữa các bên.
* Thế nhưng tại sao nhiều nhà thầu trên địa bàn tỉnh cho rằng Nghị định 48/2010/NĐ-CP có nhiều điểm còn bất cập, thưa ông?
- Thực tế, khi thực hiện hợp đồng theo Nghị định 48/2010/NĐ-CP, một số nhà thầu trên địa bàn tỉnh đã gặp một số vướng mắc. Lý do, cả chủ đầu tư và nhà thầu chưa tập trung nghiên cứu nội dung hợp đồng phù hợp với quy mô, tính chất, công việc của gói thầu trước khi ký kết. Đây là tâm lý khá phổ biến của chủ đầu tư và một số doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ ở tỉnh ta hiện nay. Trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu thường “tin tưởng” hợp đồng do chủ đầu tư dự thảo. Bước thương thảo trước khi ký kết hợp đồng chỉ thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ. Chỉ đến khi thực hiện hợp đồng bị vướng về khối lượng, các điều kiện về bổ sung hợp đồng..., chủ đầu tư và nhà thầu mới xem xét, kiểm tra lại các điều khoản hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết. Lúc này hợp đồng đã có hiệu lực, việc điều chỉnh hợp đồng, thỏa thuận, thương thảo rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức và nhiều khi không thể điều chỉnh, thỏa thuận được do trái quy định của pháp luật hiện hành.
Việc lựa chọn loại hợp đồng theo giá hợp đồng chưa căn cứ cụ thể vào quy mô, tính chất, công việc thực hiện của gói thầu, tiến độ, thời gian thực hiện hợp đồng. Qua theo dõi, năm 2010, hầu hết các hợp đồng xây dựng trên địa bàn tỉnh đều là hợp đồng trọn gói. Khi triển khai thực hiện trước cơn bão giá nhưng rất ít hợp đồng được bù giá. Đến năm 2011, trước tình hình tăng giá các loại vật liệu, nhân công, chủ đầu tư và nhà thầu đều lựa chọn hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Tuy nhiên, trong hợp đồng các điều khoản rất chung chung, không quy định phương thức, cách thức điều chỉnh, nên đã gây khó khăn khi thực hiện. Hoặc khi được điều chỉnh dẫn đến vượt tổng mức đầu tư thì không thuộc thẩm quyền điều chỉnh của chủ đầu tư. Do vậy, thiệt thòi thuộc về nhà thầu, nên đã dẫn đến việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án…
* Vậy ông có khuyến cáo gì đối với các nhà thầu trong việc ký kết các hợp đồng xây dựng?
- Khi Nghị định 48/2010/NĐ-CP ra đời, Sở Xây dựng đã kịp thời ban hành văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn, thực hiện công tác tuyên truyền với mục tiêu là làm cho chủ đầu tư và nhà thầu hiểu đúng luật và làm đúng luật. Nâng cao năng lực trong việc lập, quản lý và thực hiện hợp đồng là một nội dung mang tính quyết định hiệu quả của dự án và hành lang pháp lý của Nghị định 48/2010/NĐ-CP thì quyền lợi của nhà thầu sẽ được bảo vệ. Bởi lẽ, hợp đồng xây dựng là thành bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các hành xử của nhà thầu và chủ đầu tư về hợp đồng bị xem nhẹ, các điều khoản chưa minh bạch và chung chung. Khi được hỏi hai bên giải thích là nếu quy định cụ thể thì sau này phát sinh khó giải quyết. Nếu thuận thì không sao nhưng nếu có tranh chấp thì đều khó cho cả hai bên. Luật đã quy định, các bên đối tác phải tuân thủ, tỉnh không thể can thiệp được bằng cách ban hành những chính sách trái với quy định của Chính phủ.
* Xin cảm ơn ông!
|