Theo thống kê của Sở Khoa học - Công nghệ, đến tháng 3.2012, tỉnh ta đã có 514 nhãn hiệu, 27 kiểu dáng công nghiệp, 2 sáng chế và giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp bằng độc quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Qua đó cho thấy việc đăng ký bảo hộ NH trong tỉnh có xu hướng tăng và được quan tâm nhiều hơn.
Hiện nay, tỉnh ta có 2 nhãn hiệu tập thể đã bảo hộ là “Rượu Bàu Đá” và “Nước mắm Nhơn Lý”. Đây là cơ sở pháp lý để người dân sở hữu, phát triển kinh doanh, giữ vững sản phẩm truyền thống của địa phương mình. Về kiểu dáng công nghiệp, có 27 bằng công nhận, chủ yếu được bảo hộ giai đoạn 1991-1995 và 2001-2010.
|
Hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động do các ông Trần Văn Sum, Mai Vĩnh Thạnh sáng tạo, đã được Cục SHTT chấp nhận đơn đăng ký giải pháp sáng chế. |
Về sáng chế và giải pháp hữu ích có 2 giải pháp được cấp bằng độc quyền. Trong đó, có một bằng sáng chế được cấp cho ông Phạm Văn Đức (quê Hoài Nhơn, đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) với giải pháp: Quy trình sản xuất chế phẩm diezen sinh học (đăng ký tại Bình Định); một bằng bảo hộ giải pháp hữu ích cho thiết bị hấp hạt điều liên tục của các ông: Trần Văn Sum và Mai Vĩnh Thạnh (TP Quy Nhơn).
Về nhãn hiệu, tập trung ở Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định với sở hữu độc quyền gần 220 nhãn hiệu hàng hóa, chủ yếu tên thuốc tân dược, chiếm gần 1/2 trong tổng số nhãn hiệu được bảo hộ trong cả tỉnh.
Ở lĩnh vực sáng chế, giải pháp hữu ích, hiện nay tỉnh ta có 9 giải pháp đã đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT và đang trong quá trình chờ xem xét. Trong đó có thiết bị sáng chế đã bán ra thị trường trong và ngoài nước như: Hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động của ông Trần Văn Sum và Mai Vĩnh Thạnh; thiết bị kéo cắt cành, dụng cụ bao trái cây của nông dân Nguyễn Kim Chính (Phù Cát)…
Để giúp doanh nghiệp nhận thức về SHCN, hàng năm Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn về SHCN, để doanh nghiệp nhận biết pháp luật, tiếp nhận văn bản pháp quy về SHCN; phổ biến quy định pháp lý về SHCN cho một số cơ quan quản lý như công an, quản lý thị trường; giúp các địa phương, tổ chức hội nghề nghiệp, đăng ký sở hữu sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ông Trương Quang Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ, cho biết: “Khi hội nhập quốc tế về thương mại, doanh nghiệp muốn cạnh tranh đều quan tâm đăng ký SHCN cho sản phẩm của đơn vị mình. Và khi sản xuất phát triển cũng cần đăng ký SHCN phát triển để tránh bị xâm hại, bị làm nhái, làm giả sản phẩm, nhãn hiệu độc quyền. Ngoài Sở Khoa học - Công nghệ, người đăng ký SHCN có thể qua cơ quan tư vấn hay văn phòng luật sư để hiểu hơn về tầm quan trọng của SHCN và các cách thức, thủ tục đăng ký”.
Hiện Sở Khoa học - Công nghệ đang xây dựng việc xác lập quyền SHCN cho nhiều sản phẩm truyền thống làng nghề trong tỉnh qua Chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng Bình Định giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, Sở đang giúp các địa phương trong tỉnh làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm như: Kiệu Phù Mỹ, yến sào Bình Định; bảo hộ nhãn hiệu tập thể nem Chợ Huyện, chả cá Quy Nhơn, cây mai vàng Nhơn An, nón ngựa Phú Gia… Thông qua chương trình này, Sở Khoa học - Công nghệ cũng đang rà soát sản phẩm làng nghề truyền thống đăng ký nhãn hiệu tập thể để tránh bị các cá nhân hoặc tổ chức khác ngoài địa phương đăng ký sở hữu nhãn hiệu truyền thống nổi tiếng của địa phương.
|