Thực hiện thí điểm bảo hiểm chăn nuôi:
Còn nhiều vướng mắc
20:10', 26/4/ 2012 (GMT+7)

Tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều biện pháp thực hiện thí điểm bảo hiểm chăn nuôi (BHCN) nhằm hỗ trợ người chăn nuôi bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra cho vật nuôi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong chính sách thí điểm BHCN vẫn còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế cần được tháo gỡ.

Nông dân thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) chăm sóc đàn bò.

Hoàn tất việc chuẩn bị

Thí điểm BHCN giai đoạn 2011-2013 theo tinh thần Quyết định (QĐ) số 315/QĐ-TTg ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tại 20 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng tỉnh ta được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm heo thịt, heo nái, heo đực giống; bò thịt, bò cày kéo, bò sinh sản và bò sữa. Đến nay, tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ công tác thực hiện thí điểm BHCN và cử các thành viên tham gia tập huấn về việc triển khai thí điểm BHCN do Bộ Tài chính tổ chức; đồng thời tổ chức hội nghị cấp tỉnh về lĩnh vực này.

BCĐ của tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền các địa phương, thống nhất lựa chọn 9 xã: Nhơn Lộc, Nhơn Khánh, Nhơn An (An Nhơn); Bình Nghi, Bình Tường, Bình Hòa (Tây Sơn); Hoài Mỹ, Hoài Sơn, Hoài Tân (Hoài Nhơn) làm điểm thực hiện thí điểm BHCN. Các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm BHCN cũng đã thành lập BCĐ, tổ công tác thí điểm BHCN.

Ông Trần Văn Phương-  Phó Giám đốc Công ty Bảo Minh Bình Định, doanh nghiệp thực hiện BHCN- cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng quy trình chăn nuôi, đồng thời cung cấp các dữ liệu và thu thập thông tin, xác định danh sách tổ chức, cá nhân tham gia BHCN, đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo tinh thần QĐ 315 của Chính phủ. Tiếp đến, chúng tôi sẽ phổ biến thí điểm BHCN đến từng hộ dân, đồng thời tiến hành ký hợp đồng BHCN với người chăn nuôi”.

Đến nay, Công ty Bảo Minh Bình Định đã tuyển chọn được hơn 50 đại lý tại các huyện, xã được chọn tham gia thực hiện thí điểm BHCN và đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho các đại lý và cán bộ kỹ thuật tại các huyện, xã. Đã hoàn thành việc kiểm tra, lập danh sách các hộ nghèo và cận nghèo gửi UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương để được hỗ trợ phí BHCN. Theo quy định, hộ nghèo tham gia thí điểm BHCN được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho người chăn nuôi thuộc diện cận nghèo tham gia thí điểm BHCN. Kết quả, có 3.660 hộ nghèo và 2.400 hộ cận nghèo ở 9 xã điểm thuộc diện được hỗ trợ.

Hiện, Bảo Minh Bình Định đang phối hợp với chính quyền các địa phương phổ biến văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về thí điểm BHCN và chỉ đạo các đại lý xuống các địa phương để thuyết phục, ký hợp đồng BHCN với người chăn nuôi.

Còn nhiều vướng mắc

Theo Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm BHCN của tỉnh, để người dân hiểu và tham gia bảo hiểm là không dễ, bởi một số điều kiện ràng buộc người tham gia bảo hiểm và chính sách đền bù thiệt hại đã được ban hành chưa phù hợp với thực tế.

Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, cho biết: Khi khảo sát mức độ sẵn sàng tham gia BHCN, đa số nông dân đều cho rằng, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng và heo tai xanh khi xảy ra chỉ gây chết đối với những vật nuôi còn ở giai đoạn theo mẹ, nhưng không được tham gia bảo hiểm, còn vật nuôi trưởng thành và vật nuôi hậu bị ít khi bị chết. Suy nghĩ này đã tác động không nhỏ đến việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục người chăn nuôi tham gia bảo hiểm. Mặt khác, người dân cho rằng, quy định chỉ khi dịch bệnh xảy ra trên 10% ở quy mô tổng đàn cấp xã và phải có quyết định công bố dịch của UBND tỉnh mới được giải quyết bồi thường; trường hợp những vật nuôi tham gia bảo hiểm bị bệnh, chết nhưng phạm vi dịch chưa đạt 10% quy mô tổng đàn cấp xã thì không được giải quyết bồi thường là chưa hợp lý. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại quá 3% quy mô tổng đàn cấp xã, nên việc vận động người dân tham gia BHCN gặp nhiều khó khăn…

Khắc phục những khó khăn trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền và các hội-đoàn thể ở các huyện, xã điểm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành QĐ 315 của Chính phủ cho người chăn nuôi. Công ty Bảo Minh Bình Định phối hợp với ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương lấy ý kiến của người chăn nuôi và linh động vận dụng các quy định đã được các Bộ, ngành Trung ương vào thực tế đạt hiệu quả.

Tỉnh ta cũng đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương kéo dài thời gian thực hiện BHCN đến năm 2014 để người chăn nuôi tham gia bảo hiểm được hưởng lợi nhiều hơn; kiến nghị giảm mức thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai từ 10% quy mô tổng đàn cấp xã xuống còn 5-6% được giải quyết bồi thường rủi ro, nhằm đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi tham gia bảo hiểm; kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT xem xét chính sách hỗ trợ phí BHCN cho hộ nông dân thuộc diện cận nghèo là 100% như các hộ nghèo.

Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh trong tầm kiểm soát và chưa đến mức độ phải công bố mà vật nuôi tham gia bảo hiểm bị bệnh, người chăn nuôi và chính quyền địa phương cũng phải bỏ kinh phí để chữa trị bệnh, chăm sóc vật nuôi, phòng chống dịch bệnh lây lan. Bởi vậy, tỉnh ta cũng đã đề nghị Bộ Tài chính và công ty bảo hiểm chi trả chi phí cho địa phương và người chăn nuôi thực hiện phần việc nói trên. Khi gia súc có tham gia bảo hiểm nhưng bị dịch bệnh chết phải tiêu hủy, ngoài tiền bồi thường bảo hiểm, các Bộ, ngành Trung ương xem xét cho người chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo tinh thần của QĐ 719 ngày 5.6.2008 của Thủ tướng Chính phủ...

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, khảo sát các công trình thủy lợi ở Vân Canh  (26/04/2012)
8 tỉ đồng xây dựng tuyến đường hai chiều có dải phân cách cứng  (25/04/2012)
Phải chuyển đổi mục đích trên 453 ha đất vì thủy điện  (25/04/2012)
Nhiều DN chưa hoàn thổ trồng lại rừng   (25/04/2012)
Cơ bản khống chế dịch bệnh tôm nuôi  (25/04/2012)
Chuyển biến tích cực  (25/04/2012)
Chưa chặt chẽ, thiếu bài bản  (25/04/2012)
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất vay hợp đồng cũ  (25/04/2012)
“Thủ phủ” đồ gỗ đang chết mòn  (25/04/2012)
Tạm dừng bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng các CCN  (25/04/2012)
Những nội dung cơ bản XDNTM đến năm 2020  (25/04/2012)
Đẩy nhanh tiến độ thi công hồ Ông Lành  (25/04/2012)
“Đổi đời” nhờ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp  (25/04/2012)
Muốn giảm rủi ro, cần hiểu rõ luật  (24/04/2012)
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,9%  (24/04/2012)