Thời gian qua, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) trên địa bàn tỉnh xảy ra khá phổ biến, mức độ vi phạm ngày càng tăng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Song việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm này hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Vi phạm nhiều...
HLATLĐ là khoảng cách giữa công trình điện với các công trình kiến trúc khác đủ để đảm bảo an toàn cho việc quản lý, vận hành lưới điện và bảo đảm sự an toàn cho công trình dân dụng ở gần công trình điện. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng vi phạm về HLATLĐ trên địa bàn tỉnh đã diễn ra khá phổ biến, mức độ ngày càng tăng.
|
Một ngôi nhà đang xây dựng trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) nằm trong HLATLĐ. |
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trường hợp vi phạm HLATLĐ ở mức độ nghiêm trọng như: nhà cửa, cột ăngten ti vi, cây trồng... nằm trong HLATLĐ. Trong đó, chỉ tính riêng hệ thống lưới điện cao áp đã có 170 trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, Điện lực Quy Nhơn: 72 trường hợp, Điện lực Phú Tài: 20 trường hợp, Điện lực Tuy Phước: 15 trường hợp, Điện lực An Nhơn: 31 trường hợp, Điện lực Phú Phong: 4 trường hợp, Điện lực Phù Mỹ: 3 trường hợp và Điện lực Bồng Sơn: 25 trường hợp. Vi phạm phổ biến là xây dựng các công trình nhà ở, công trình phụ và một số công trình khác từ đơn giản đến kiên cố trong HLATLĐ; tổ chức thi công các công trình trong HLATLĐ…
Điển hình như ở Khu công nghiệp Phú Tài, Công ty TNHH Tân Đông Dương xây dựng công trình vi phạm khoảng cách chiều rộng đường dây điện cao áp; Công ty TNHH Tân Trung Nam xây dựng nhà bảo vệ, tường rào nằm trong HLATLĐ...
Ông Trần Văn Nhã, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Bảo hộ lao động (Công ty Điện lực Bình Định), cho biết: “Bảo đảm an toàn cho hành lang lưới điện luôn là vấn đề cấp bách của ngành Điện cũng như đối với toàn xã hội. Tình trạng vi phạm HLATLĐ ở tỉnh ta như hiện nay đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn về điện. Với các công trình nằm trong HLATLĐ, chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra, hậu quả rất khó lường. Thực tế đã có nhiều tai nạn thương tâm và sự cố về điện đã xảy ra…”.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn về điện dẫn đến chết người, hoặc để lại di chứng nặng nề và gây mất điện trên diện rộng, nguyên nhân là do những vi phạm về HLATLĐ. Cụ thể, lúc 16 giờ 56 phút ngày 21.9.2010, tại khoảng cột C210A-210A/1 (đoạn đường dây 22kV Nhơn Hội), anh Nguyễn Văn Thành (26 tuổi, quê ở Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) điều khiển xe ben 60M-1978 đổ vật liệu trong HLATLĐ, bị điện phóng gây cháy xe, nạn nhân không kịp nhảy ra ngoài nên bị chết cháy. Lúc 9 giờ 55 ngày 19.1.2012, gia đình ông Trần Ngọc Bảo (đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Quy Nhơn) khi tổ chức đám cưới đã bắn pháo hoa có dây kim tuyến lên đường dây 22kV, gây sự cố phóng điện làm đứt cả 3 pha đường dây 22 kV, gây mất điện một phần các phụ tải ưu tiên, quan trọng trong khu vực hai phường Ngô Mây và Trần Phú nhiều giờ liền…
Nhưng... khó xử lý
Thời gian qua, Công ty Điện lực Bình Định đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm hành lang lưới điện; xử lý hậu quả của những vi phạm từ những năm trước; lập biên bản với những trường hợp cố tình vi phạm HLATLĐ... Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm này gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn những trường hợp vi phạm khi bị ngành Điện phát hiện và lập biên bản, thường người vi phạm không đồng ý ký vào biên bản mà đưa ra nhiều lý do dẫn đến vi phạm. Nhiều hộ gia đình tuy đã được ngành Điện khuyến cáo vi phạm HLATLĐ nhưng vẫn cố tình xây lấn ban-công nhà mình thêm ra phía vỉa hè, cách đường dây điện chưa đầy 0,5 m, rất nguy hiểm.
Theo quy định của Luật Điện lực, trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong HLATLĐ, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh rất ít chủ đầu tư cũng như cơ quan cấp phép xây dựng chú ý đến vấn đề này. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm HLATLĐ, buộc chủ đầu tư công trình phải tháo dỡ để đảm bảo tài sản và tính mạng con người, nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm.
Xin nêu một trường hợp cụ thể: Ngày 16.11.2010, Điện lực Phú Phong phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm HLATLĐ đối với việc xây dựng nhà của ông Lê Văn Ninh (thôn Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) và yêu cầu không được tiếp tục xây dựng, đi lại trong khu vực phạm vi HLATLĐ, nhưng ông Ninh không ký và cũng không dừng việc xây dựng. Hậu quả, lúc 13 giờ 30 ngày 17.2.2011, bà Nguyễn Thị Thu Vân, làm phụ hồ xây dựng nhà ông Ninh, trong khi làm việc đã bị điện cao áp 22kV phóng gây bỏng nặng.
Theo ông Trần Văn Nhã, nguyên nhân chính dẫn đến việc khó xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm HLATLĐ là do người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc bảo vệ HLATLĐ. Nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan, không lường trước được các tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà ở, công trình trong HLATLĐ. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp và ngành Điện trong việc phát hiện, xử lý vi phạm cũng thiếu chặt chẽ. Nhiều công trình khi xây dựng xong mới phát hiện vi phạm, khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số địa phương khi quy hoạch đất đã không thực hiện khảo sát kỹ về thực địa và chưa tính đến sự tồn tại trước đó của đường dây điện, khiến việc vi phạm của người dân cứ thế tiếp diễn…
Trước thực trạng nêu trên, để hạn chế tình trạng vi phạm HLATLĐ, tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân, không riêng gì ngành Điện mà rất cần sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về HLATLĐ.
|