|
Nông dân Phước Quang sử dụng cơ giới thu hoạch lúa. |
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) là căn cứ địa cách mạng, trung tâm đường dây liên lạc vùng Đông Bắc huyện gắn liền với căn cứ Núi Bà. Chiến tranh đi qua đã 37 năm, vùng đất đầy bom đạn năm xưa đã bừng lên sức sống mới…
Nằm về phía Bắc huyện Tuy Phước, xã Phước Quang gồm 11 thôn, diện tích đất tự nhiên 1.081 ha, dân số hơn 14.000 người. Trước năm 1975, đây là vùng đất chiến tranh ác liệt. Toàn xã có 236 liệt sĩ, 38 thương binh; 309 gia đình được nhận huân chương, huy chương Kháng chiến các loại. Năm 2002, xã Phước Quang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Phạm Đình Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho biết: “Sau giải phóng, từ trong hoang tàn đổ nát, người dân Phước Quang đã tập trung khai hoang, vỡ hóa, làm thủy lợi, trồng lúa để tự túc lương thực. Từ chỗ phải nhận từng cân gạo cứu trợ của Chính phủ, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Phước Quang đạt 645 kg thóc/năm, thu nhập bình quân hơn 12 triệu đồng/người/năm, cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng ngày càng hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 80% hộ có xe máy, đa phần các hộ đều có nhà xây kiên cố, 100% hộ có phương tiện nghe, nhìn. Toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 7,6%”.
Kết quả trên bắt đầu từ việc khai thác tiềm năng đất đai, lao động hợp lý để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng, hiện đại và hiệu quả. Toàn xã đã chuyển 654 ha lúa 3 vụ sang sản xuất 2 vụ ăn chắc. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất lúa năm sau cao hơn năm trước, từ 65 tạ/ha năm 2009, đến năm 2011 đạt 70 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển khá, tổng đàn gia cầm hơn 57.000 con, đàn heo 6.500 con, đàn trâu-bò 2.500 con; mức tăng trưởng nông nghiệp từ 7- 8%/ năm.
Từ chỗ thuần nông, Phước Quang đã tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và thương mại dịch vụ (TMDV), giảm dần tỉ trọng nông nghiệp. Các ngành nghề truyền thống: đan đác, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất gạch ngói… đã giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ; giá trị TTCN - TMDV hiện chiếm 40% trong tổng cơ cấu kinh tế của địa phương.
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… Đến nay, xã đã bê tông hóa được 17 km đường giao thông nông thôn; Trạm Y tế xã đạt chuẩn y tế quốc gia; các trường từ tiểu học đến THCS được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia… Đặc biệt, xã đã làm tốt công tác chính sách thương binh, liệt sĩ, đến nay 100% gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương đều có mức sống trung bình trở lên.
Xã Anh hùng Phước Quang đang nỗ lực tập trung xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm; giá trị nông nghiệp tăng hàng năm 5%, TTCN-TMDV tăng 12-15%/ năm; giảm tỉ trọng nông nghiệp xuống còn 51%, tăng tỉ trọng TTCN-TMDV lên 49%; phấn đấu đến năm 2020 đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, trở thành xã nông thôn mới.
|