Xã Tây Bình (huyện Tây Sơn) là vùng đất quật cường trong đấu tranh cách mạng. Nói đến lịch sử xã Tây Bình trong kháng chiến chống Mỹ không thể không nhắc đến vụ thảm sát Bình An diễn ra từ 7.2.1966 đến 26.2.1966, làm hơn 1.000 người dân thường vô tội bị thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị tàn phá. Thế nhưng, vùng đất một thời từng được xem là vùng đất chết ấy nay đã bừng lên sức sống mới…
|
Một góc xã Tây Bình hôm nay. Ảnh: N.HÂN |
Vùng đất hào hùng
Xã Tây Bình (được tách ra từ xã Bình An trước đây) là địa bàn trọng yếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở tỉnh ta; phía Đông Bắc là sân bay Phù Cát, phía Bắc có núi Trà Ran là một cao điểm lợi hại, phía Đông có núi Thơm là căn cứ pháo binh của địch. Xã Tây Bình có nhiều đầu mối giao thông quan trọng: Tỉnh lộ 636 chạy qua ở phía Bắc và Đông, nối thông với sân bay Phù Cát, đường sắt Bắc- Nam và quốc lộ 1A; phía Nam tiếp giáp với sông Côn và xa hơn chừng 4 km là quốc lộ 19 nối liền với Tây Nguyên. Chính vì vậy, ngay từ đầu, địch đã dùng mọi biện pháp hòng chiếm cứ địa bàn chiến lược này.
Giữa năm 1965, quân Mỹ và chư hầu tiến hành các cuộc càn quét quy mô lớn hòng tiêu diệt lực lượng ta. Những vụ thảm sát đẫm máu liên tiếp diễn ra ở huyện Tuy Phước như Tân Giảng (xã Phước Hòa), Nho Lâm (xã Phước Hưng) và nhiều nơi khác. Nhưng điển hình nhất cho những tội ác chiến tranh đó là vụ thảm sát ở Bình An vào tháng 2.1966 làm hơn 1.000 người dân thường vô tội thiệt mạng, 1.535 ngôi nhà bị tàn phá… Đỉnh điểm là ngày 26.2.1966 với 380 người vô tội bị giết hại thảm khốc cùng lúc tại Gò Dài (thuộc thôn An Vinh).
Tuy nhiên, với tinh thần bất khuất không chịu đầu hàng, quân và dân Bình An (trong đó có xã Tây Bình hôm nay) lớp người trước ngã xuống, lớp sau tiếp bước đứng lên cầm súng đánh địch, làm nên những trận thắng vang dội: An Vinh, Sông Cạn, An Chánh, núi Thơm… góp phần giải phóng quê nhà.
Bừng lên sức sống mới
Vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, nông dân xã Tây Bình đang tất bật vào vụ sản xuất Hè Thu. Những cánh đồng lúa xanh ngắt trải dài; tuyến đường phía Tây tỉnh đi qua địa bàn xã được trải nhựa phẳng lì, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, cùng hệ thống điện được kéo đến từng nhà… tạo nên một vùng quê trù phú, đầy sức sống mới.
Để có những hình ảnh đầy ấn tượng ấy là nhờ lòng quyết tâm, sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã tạo nên sự hồi sinh mạnh mẽ hôm nay. Đặc biệt là từ khi Chính phủ triển khai chính sách “tam nông”, xây dựng nông thôn mới, bộ mặt kinh tế- xã hội của Tây Bình càng thêm khởi sắc.
Trong phát triển kinh tế, Tây Bình xác định mũi nhọn chính là trồng trọt và chăn nuôi gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, và đã có sự chuyển biến tích cực. Từ chỗ thường xuyên bị thiếu lương thực, đến nay toàn xã có trên 276 ha sản xuất lúa, năng suất xấp xỉ 60 tạ/ha, sản lượng lúa hàng năm trên 4.600 tấn, chẳng những đủ ăn, còn bán ra ngoài. Năm 2011, bình quân thu nhập trên địa bàn xã đạt gần 13 triệu đồng/người/năm; không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, xã đã vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao như: mía, bắp lai, đậu phụng, rau màu các loại… được nông dân sản xuất ở những chân đất cao, đem lại thu nhập khá. Đáng chú ý là nông dân đã chuyển đổi trên 50 ha đất chân cao ven sông Côn sang trồng mía. Nhờ đưa các giống mía mới vào sản xuất cùng với đầu tư thâm canh nên năng suất mía đạt bình quân 110 tấn/ha/năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm; nhiều nông dân có mức lãi 40-50 triệu đồng/ha/năm.
Ông Văn Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Bình, cho biết: Với địa thế là vùng đất trung du, nếu cứ bám vào cây lúa thì nông dân ở đây không thể làm giàu. Xã đã khuyến khích người dân chú trọng chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Hàng năm, UBND xã thường xuyên mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân; chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nông dân nắm bắt, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đặc biệt, năm 2011, khi tuyến đường phía Tây tỉnh đi qua địa bàn xã được hoàn thành đưa vào sử dụng, lần lượt những cụm dịch vụ - thương mại dọc theo tuyến đường được thành lập, ngày càng đông đúc, sầm uất. Trên địa bàn xã hiện có 212 hộ kinh doanh, dịch vụ, chủ yếu là may mặc, mua bán đồ trang trí nội thất, làm nghề mộc dân dụng, mua bán vật liệu xây dựng… cùng hàng trăm hộ buôn bán nhỏ. Điều đáng ghi nhận là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã ngày càng phát triển mạnh với hàng chục cơ sở sản xuất gạch ngói, đan võng, đan lưới, sản xuất bánh tráng, bánh hỏi... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn.
Sau 37 năm giải phóng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Tây Bình ngày càng được nâng cao; kinh tế phát triển nhờ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Theo khảo sát mới đây, xã Tây Bình có gần 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, trên 95% có nhà mái ngói…
|