Thời gian gần đây, các sản phẩm hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh được bày bán tại các siêu thị lớn ở Quy Nhơn cũng như ở các tỉnh trong khu vực ngày càng nhiều, với doanh số mỗi năm tăng khoảng 30%. Điều này mang đến nhiều lợi ích cho người sản xuất, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng.
|
Khách hàng chọn mua rau, củ quả của Bình Định tại Co.op Mart Quy Nhơn. Ảnh: N.T
|
Nhiều sản phẩm bán ở siêu thị
Thời điểm mới khai trương (tháng 12.2003), Co.op Mart Quy Nhơn bày bán chưa đến 10 sản phẩm địa phương, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm… với sức tiêu thụ rất chậm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều sản phẩm địa phương được đưa vào bán tại siêu thị.
Ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Co.op Mart Quy Nhơn, cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh việc tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Co.op Mart Quy Nhơn còn chủ động tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà sản xuất trong tỉnh đưa sản phẩm vào bán tại hệ thống của Co.op Mart trên toàn quốc. Hiện nay, Co.op Mart Quy Nhơn đã bày bán gần 100 sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh, từ sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cho đến các sản phẩm nông nghiệp của nông dân, được nhiều người tiêu dùng đón nhận”.
Dạo một vòng quanh Co.op Mart Quy Nhơn, dễ dàng nhận ra các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh được bày bán tại đây. Trên các kệ trong khu vực trưng bày hàng tươi sống, nhiều loại rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và Luật Chánh (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) như cải xanh, xà lách, rau má, hành ngò… đã có mặt. Còn các loại củ quả, như cà tím, cà pháo, bí ngô, khoai lang, bí đao, bầu… của nông dân Bình Định cũng có mặt bên cạnh các mặt hàng rau xanh nhập về từ Đà Lạt. Tại khu vực hàng công nghệ phẩm, thực phẩm… các sản phẩm của địa phương như trà hòa tan Tiến Phát, trà gừng Tiến Phát, nước khoáng Life, rượu Bầu Đá, nước mắm Mười Thu, nem chả Tuy Phước, bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn, bún song thằn An Thái… cũng được bày bán. Các mặt hàng này cũng đã có mặt trong siêu thị ở các tỉnh trong khu vực, bên cạnh những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng khác.
Sản phẩm hàng hóa “made in Bình Định” cũng đã được các siêu thị mini trên địa bàn tỉnh như Siêu thị - Nhà sách Lê Lợi, Siêu thị - Nhà sách Quy Nhơn (TP Quy Nhơn); Siêu thị - Nhà sách An Nhơn (thị xã An Nhơn)… bày bán ngày càng nhiều. Trong số các mặt hàng của địa phương vào siêu thị, các sản phẩm mang tính chất đặc sản như: rượu Bầu Đá, nem chả, bánh tráng, bún song thằn… tiêu thụ khá mạnh.
Lợi đơn, lợi kép
Hàng hóa “made in Bình Định” được bày bán ngày càng nhiều tại các siêu thị là một tín hiệu mừng, đem lại nhiều lợi ích. Muốn đưa được hàng vào bán tại siêu thị, nhà sản xuất phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được những tiêu chuẩn của siêu thị đưa ra. Ngoài ra, siêu thị là kênh phân phối sản phẩm rộng rãi, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Với một chuỗi các điểm bán lẻ trải khắp cả nước, siêu thị không chỉ là nơi bày bán sản phẩm mà còn là kênh thông tin quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Do vậy, nhiều nhà sản xuất đã chọn siêu thị là kênh phân phối chính của mình.
Ông Lê Xuân Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Phát (TP Quy Nhơn), cho biết: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp (DN) là thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm thì không phải DN nào cũng tự làm được mà cần có sự “kết nối” giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. DN của tôi xác định năng lực chính là sản xuất, cung ứng, chứ không phải phân phối, kinh doanh. Do vậy, trong lĩnh vực bán hàng, Tiến Phát đã liên kết với hệ thống Co.op Mart. Nhờ đó, trong năm 2012, sản phẩm trà của Tiến Phát đã đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao và có mặt ở hầu hết các siêu thị của hệ thống Co.op Mart tại khu vực miền Trung.
Không riêng gì Tiến Phát, từ khi các siêu thị ra đời trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chọn siêu thị là nơi tiêu thụ hàng hóa cho mình. Với các yêu cầu đặt ra của hệ thống phân phối hiện đại, uy tín, các nhà sản xuất đã phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, thương hiệu của nhà sản xuất ngày được nâng cao, lợi nhuận thu về cũng tăng lên.
Ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc Ban Quản lý Dự án sinh kế nông thôn tỉnh, cho biết: “Lâu nay, người dân ở Thuận Nghĩa và Luật Chánh trồng rau không theo một tiêu chuẩn nhất định, chỉ bán ở các chợ truyền thống nên giá không cao. Kể từ khi người dân ở đây trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được Co.op Mart Quy Nhơn bao tiêu, thương hiệu rau Thuận Nghĩa và Luật Chánh đã được khẳng định, nên đã bán được giá hơn, thu nhập của người trồng rau cũng cao hơn trước.
Rõ ràng, thông qua hệ thống siêu thị, nhà sản xuất tại địa phương đã có cơ hội nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi “phủ sóng” hàng hóa. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối các nhà sản xuất, bởi khi đưa hàng hóa vào siêu thị, các nhà cung cấp địa phương phải chịu sự cạnh tranh từ các thương hiệu lớn ngay tại siêu thị. Do vậy, để duy trì sản phẩm trong kênh bán lẻ hiện đại, đòi hỏi các nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý.
|