|
Xe khách chạy tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh chờ xuất bến tại Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn. |
Tối 20.4, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 900 đồng/lít và dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít, cộng cả hai lần tăng giá xăng, dầu (lần tăng trước vào ngày 7.3), giá xăng tăng khoảng 15%, dầu diesel tăng khoảng 8%. Xăng dầu tăng giá, đã đẩy chi phí của các doanh nghiệp vận tải (DNVT) tăng theo nhưng ở mức dè dặt.
Ngoài việc xăng dầu tăng giá, thời gian qua, các mặt hàng vật tư, phụ tùng sửa chữa phương tiện cũng không ngừng tăng cao, làm cho chi phí vận tải tăng đáng kể. Chỉ riêng mặt hàng vỏ, ruột xe, từ đầu năm 2011 đến nay, đã tăng thêm 40%. Đó là chưa nói hiện hàng loạt mặt hàng tiêu dùng tăng giá buộc các DNVT phải tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho nhân viên. Theo tính toán của các DNVT, với các chi phí tăng thêm như thời gian qua, giá cước vận tải phải tăng thêm từ 15-20% so với trước.
Ông Đặng Cao Thanh, Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Khi chi phí đầu vào tăng cao, việc điều chỉnh giá cước vận tải là tất nhiên. Tuy nhiên, với xu thế thị trường vận tải ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt, các DNVT đều tính toán mức giá cước tăng sao cho hợp lý, khách hàng có thể chấp nhận; không DNVT nào dám đưa ra mức giá cước cao. Sau khi xăng dầu tăng giá, Sở Giao thông Vận tải đã kêu gọi các DNVT trên địa bàn tỉnh cố gắng giảm chi phí, tránh tình trạng tăng giá quá cao, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội”.
Sau khi xăng dầu tăng giá, các DNVT trên địa bàn tỉnh đã dè dặt trong việc tăng giá cước và mức tăng cũng thấp so với các địa phương khác, chỉ từ 7-10%. Trong đó, với vận tải hành khách, các tuyến đường dài trên 300 km, mức tăng khoảng 10%; các tuyến dưới 300 km tăng 7%. Ngoài ra, vào dịp 30.4 này, các DN vận tải hành khách trên tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh cũng đã đăng ký phụ thu chiều rỗng 40% giá cước so với hiện tại.
Về vận tải taxi, một số DNVT đã gửi thông báo tăng giá cước đến Sở Giao thông Vận tải, với mức tăng thêm từ 700 - 1.000 đồng/km. Tuy nhiên, để điều chỉnh tăng giá cước, các hãng taxi mất nhiều thời gian làm thủ tục gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Cục Thuế và đem xe đến các trung tâm kiểm định đồng hồ để lập trình giá cước mới. Trước mắt, để đảm bảo hoạt động có lãi, các hãng taxi chỉ cho xe chạy khi nào có thông báo đón khách, thay vì như trước đây có lúc xe còn chạy lòng vòng tìm khách.
Các DN vận tải hàng hóa cũng đã điều chỉnh giá cước tăng khoảng 7% với các hợp đồng vừa ký kết. Riêng các hợp đồng vận chuyển dài hạn đã ký trước thời điểm xăng, dầu tăng giá, DN sẽ thỏa thuận với đối tác để điều chỉnh lại giá cước cho phù hợp.
|