Thời gian qua, hoạt động của ngành Du lịch (DL) tỉnh ta đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, DL Bình Định cũng đang đứng trước những thử thách do nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ngành chức năng đang tập trung nghiên cứu những giải pháp hữu hiệu giúp ngành DL phát triển bền vững, có khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH.
|
Life Resort Quy Nhon tọa lạc tại một vị trí lý tưởng nên thu hút khá đông du khách nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn những nguy cơ tác động của BĐKH.
|
Tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức
Hiện nay, DL đang là một trong những ngành tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ngành DL cũng đang đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn do tác động của BĐKH. Bởi lẽ, DL là ngành kinh tế nhạy cảm với điều kiện môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của BĐKH, dẫn đến nước biển dâng cao.
Những tác động do BĐKH cũng đã xảy ra tại Việt Nam và tác động không nhỏ đến phát triển DL. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển DL Việt Nam, tài nguyên DL và hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật DL của nước ta hầu hết đều tập trung phân bố ở vùng ven biển và các đảo, bán đảo - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH.
BĐKH tác động trực tiếp tới phát triển DL ở 3 hình thức: Tác động đến tài nguyên DL; tác động đến điểm hấp dẫn DL, đến các hoạt động DL và tác động trực tiếp đến hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của DL. Trong đó, hoạt động lữ hành là loại hình DL bị tác động mạnh do BĐKH, nên bị ảnh hưởng, đình trệ, thậm chí phải hoãn, hủy tour do điều kiện thời tiết xấu, bão lụt, lũ quét… Những năm gần đây, khá nhiều chương trình DL ở khu vực miền Trung đã phải hủy, hoãn giữa chừng do mưa bão, lũ lụt gây ra. Vì vậy, Tổ chức DL Thế giới đã cảnh báo: Sự bền vững của ngành DL và lữ hành thế giới phụ thuộc vào sự bền vững của hệ sinh thái và các cộng đồng dân cư bản xứ. Đây là vấn đề then chốt trong cuộc chiến toàn cầu chống BĐKH.
Bình Định là tỉnh ven biển, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH. Vì vậy, ngành DL Bình Định cũng phải đối diện trước những nguy cơ tiềm ẩn do tác động của BĐKH. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 110 cơ sở lưu trú DL, trong đó có 4 khách sạn và resort 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 52 khách sạn 1 sao và 10 doanh nghiệp lữ hành... Hệ thống các khách sạn và resort trên địa bàn tỉnh đều xây dựng ở ven biển; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL còn hạn chế, có nguy cơ bị tác động do BĐKH…
Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH
Thời gian qua, Sở VH-TT-DL tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh (CCCO Bình Định) tiến hành nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số (BCS) về khả năng chống chịu với BĐKH cho ngành DL tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Mạng lưới các thành phố có khả năng chống chịu với BĐKH” mà UBND tỉnh và Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội đã ký kết.
Ông Đinh Văn Tiên, Giám đốc CCCO tỉnh, cho biết: BCS có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành DL. Mục đích của việc xây dựng BCS là nhằm định lượng, theo dõi sự thay đổi của các hiện tượng phức tạp không thể đo lường trực tiếp đến các tác động thay đổi thời tiết; đối với hệ thống, tác nhân và với thể chế… Trên cơ sở kết quả của BCS, cơ quan chức năng có thể đánh giá khả năng chống chịu với BĐKH của ngành DL; từ đó đề ra chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển ngành DL, trên tinh thần tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH.
Cũng theo ông Đinh Văn Tiên, nhằm triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả, thời gian qua, CCCO đã phối hợp với Sở VH-TT-DL thành lập nhóm xây dựng BCS chống chịu với BĐKH, tiến hành xây dựng BCS theo các bước: Xác định tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với ngành DL; đặt ra các câu hỏi đánh giá đối với hệ thống, tác nhân, thể chế; xác định các chỉ số về khả năng chống chịu với BĐKH trong ngành DL…
Bước đầu nhóm xây dựng đã xác định được 15 chỉ số; trong đó có 5 chỉ số đối với DL, 5 chỉ số về tác nhân gây ra bất lợi đối với ngành DL và 5 chỉ số về thể chế. Một số kết quả cụ thể như: Doanh thu của ngành DL trong mùa lụt bão (từ tháng 9 đến tháng 12) chỉ đạt khoảng 21% trên tổng doanh thu DL hàng năm; tỉ lệ cơ sở lưu trú DL có phương án tiết kiệm nước, xử lý nước thải và phương án tiết kiệm năng lượng chỉ đạt 4% trên tổng số cơ sở lưu trú DL; tỉ lệ cơ sở lưu trú DL đạt chuẩn từ 2 sao trở lên chỉ đạt 13% trên tổng số cơ sở lưu trú DL… Đáng lưu ý, chưa có dự án DL nào xem xét đầy đủ yếu tố BĐKH; chưa có quy hoạch phát triển DL lồng ghép yếu tố BĐKH; ngành DL cũng chưa có kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH…
Với mục tiêu đưa DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà, UBND tỉnh đã xác định ưu tiên tập trung phát triển loại hình DL biển và DL văn hóa - lịch sử, đồng thời kết hợp với các sản phẩm DL khác theo 3 tuyến DL trọng điểm của tỉnh, gồm: Quy Nhơn - Sông Cầu; tuyến ven biển Quy Nhơn- Nhơn Hội - Tam Quan; tuyến Nhơn Lý - Cát Tiến; Trung Lương -Vĩnh Hội; bổ sung tuyến DL sinh thái Phương Mai - Núi Bà vào danh mục khu DL quốc gia; đồng thời, triển khai xây dựng các dự án Khu DL Hải Giang, Vĩnh Hội; các dự án sân golf… Qua đó có thể thấy, hầu hết các chương trình, dự án DL của tỉnh trong tương lai đều được quy hoạch ở khu vực ven biển - nơi phải chịu tác động của BĐKH. Vì vậy, chuẩn bị các điều kiện để ngành DL ứng phó với BĐKH là điều cần thiết.
|