Khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với tình trạng cắt giảm đầu tư công, lãi suất tín dụng ở mức cao và giá nguyên vật liệu liên tục biến động mạnh… Để tồn tại và phát triển, nhiều DNXD đang tìm mọi cách cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
|
Nhà khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong những công trình hiếm hoi được bố trí vốn để thi công trong năm 2012.
- Trong ảnh: Nhà thầu đang thi công móng nhà khám bệnh.
|
Ít công trình
Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có việc thực hiện các chính sách tiền tệ và cắt giảm đầu tư công cùng với việc chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước... đã tác động không nhỏ đến các DNXD trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã tiến hành cắt giảm 23 công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong năm 2011, với tổng kinh phí 22 tỉ đồng, chiếm 19,8% so với số vốn đã được UBND tỉnh bố trí cho các công trình khởi công mới trong năm 2011. Sang năm 2012, nguồn vốn bố trí cho các công trình xây dựng mới hầu như không có, chỉ một ít nguồn vốn được phân bổ cho các công trình sửa chữa nhỏ. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, chủ đầu tư các công trình ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng cạn kiệt vốn để triển khai dự án, kể cả những dự án đang thi công dở dang. Hàng loạt công trình nhà xưởng, công nghiệp, dự án căn hộ… hoặc ngưng hẳn hoặc chỉ thi công cầm chừng.
Ngoài khó khăn về công trình, phần lớn DNXD trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng với lãi suất đang ở mức cao như trong thời gian qua và cũng không dễ dàng vay được vốn, đã đẩy nhiều DNXD đến chỗ thiếu vốn hoạt động. Theo các DNXD, với mức lãi suất trên dưới 20%, nếu thi công các công trình có bù trượt giá, thì lợi nhuận cũng không đủ để trả lãi ngân hàng.
Ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định, cho biết: Chưa bao giờ trong suốt những năm đổi mới, DNXD lại phải trải qua những thử thách ở cường độ cao và trên diện rộng như năm 2012 này. Mới bước vào đầu quý 2, tình hình thi công dự án đã rơi vào đình trệ, cộng đồng DNXD teo tóp dần. Phần lớn những DN nhỏ, yếu vốn, yếu công nghệ hầu như không có doanh thu, phải ngừng hoạt động. Hiện nay, số DNXD đang không có việc làm ước tính chiếm đến trên 50% trong tổng số khoảng 600 DNXD trên địa bàn tỉnh.
Cầm cự để tồn tại
Ông Trần Kim Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Phong (thị xã An Nhơn), cho biết: Mấy năm trước, những tháng này các DNXD nói chung và DN của tôi nói riêng làm không hết việc. Nhưng suốt 4 tháng qua, DN của tôi không đấu thầu được một công trình lớn nào. Công trình ít nên sự cạnh tranh khá gay gắt, các DNXD đều rơi vào áp lực phải duy trì công việc cho công nhân. Để cầm cự qua giai đoạn khó khăn, từ đầu năm đến nay, chúng tôi phải chuyển hướng sang làm các công trình dân dụng nhỏ, lợi nhuận không có, để giữ chân người lao động. Quan điểm của DN là “thà chịu lỗ còn hơn mất người”, bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực luôn là vấn đề nan giải của các DNXD từ nhiều năm qua. Chắc chắn khi nền kinh tế phục hồi, vấn đề nhân lực trong lĩnh vực xây dựng lại tiếp tục là bài toán hóc búa”.
Cuối tháng 3 vừa qua, DN Vĩnh Phong đã ký kết được một số hợp đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất cho các DN ở Khu công nghiệp Nhơn Hòa, với tổng giá trị khoảng 3 tỉ đồng. Nhờ những hợp đồng này, DN Vĩnh Phong đã duy trì được việc làm cho công nhân đến hết tháng 5.
Ngoài ra, trước tình hình giá cả vật tư nguyên liệu thường biến động mạnh ngoài vòng kiểm soát, và giá thầu vẫn còn là yếu tố quan trọng trong các cuộc đấu thầu, trong thời gian qua, các DNXD trên địa bàn tỉnh đã tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác chiến lược cung cấp vật tư. Theo cách này, các DNXD được nhà cung cấp cam kết ổn định giá vật tư trong thời hạn thỏa thuận. Nhờ đó, bài toán chi phí đầu vào đã trở nên đơn giản và chính xác hơn, giúp DN an tâm trong việc tham gia đấu thầu.
Theo ông Bùi Tấn Lực, khủng hoảng là dịp để sắp xếp lại “bản đồ” DNXD và chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và uy tín của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ. Do vậy, DNXD nào vượt qua được giai đoạn khó khăn này thì sẽ phát triển ổn định trong thời gian tới. Trên thực tế, trong thời gian qua, có nhiều chủ dự án các công trình lớn đã chọn những nhà thầu có uy tín dù họ bỏ giá thầu cao hơn các đối thủ khác 10-20%. Do vậy, ngoài việc nỗ lực vượt khó, các DNXD cũng phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư trang, thiết bị hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng. Về phía các chủ đầu tư, cần phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đặc biệt chú trọng đến công tác thẩm định năng lực của DN tham gia thực hiện dự án.
Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, trong thời gian qua, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các DN hội viên về các văn bản pháp luật, kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho hội viên. Mới đây, Hiệp hội đã có kiến nghị gửi UBND tỉnh sớm có giải pháp giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho các DNXD có thể tiếp tục thi công các công trình đúng tiến độ, giảm nhẹ thiệt hại về tài chính. Hiệp hội đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép các chủ đầu tư hỗ trợ bù giá các hợp đồng trọn gói do biến động giá ngoài tầm kiểm soát của các nhà thầu; chỉ đạo bù giá kịp thời và giải ngân sớm cho các dự án đã và đang thi công…
|